Sau quá trình phản biện nghiêm túc, chặt chẽ, có hơn 90 bài báo được lựa chọn để xuất bản trong Kỷ yếu Hội thảo.
TTXVN - Ngày 19/10, tại Đà Nẵng, trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Hàn - Đại học Đà Nẵng phối hợp Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV) tổ chức Hội thảo quốc tế về các công nghệ truyền thông tiên tiến 2023.
Hội thảo có 151 bài báo khoa học của hơn 600 tác giả, đồng tác giả trong và ngoài nước. Sau quá trình phản biện nghiêm túc, chặt chẽ, có hơn 90 bài báo được lựa chọn để xuất bản trong Kỷ yếu Hội thảo.
Tại phiên toàn thể, các đại biểu, chuyên gia đến từ Vương quốc Anh, Hàn Quốc trình bày tham luận và trao đổi, thảo luận về xu hướng phát triển trong lĩnh vực điện tử, truyền thông và các lĩnh vực liên quan. Bên cạnh đó, Hội thảo diễn ra 20 phiên song song với nhiều chủ đề như: xử lý tín hiệu số; truyền thông; vi mạch bán dẫn; hệ thống mạng; điện tử; anten và truyền sóng; truyền thông không dây sau 5G và 6G...
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Trần Thế Sơn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Hàn - Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh, Hội thảo trao đổi các chủ đề quan trọng, có tính thời sự của thông tin và truyền thông hiện nay như vi mạch bán dẫn, mạng sau 5G và 6G. Đây cũng là diễn đàn mở cho các nhà khoa học và chuyên gia thảo luận và chia sẻ ý tưởng mới, kinh nghiệm nghiên cứu cũng như các kết quả có tính đột phá trong việc phát triển hệ thống, sản phẩm và công nghệ.
Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử cho biết, Hội thảo quốc tế về công nghệ truyền thông tiên tiến được tổ chức thường niên từ năm 2008 với 2 mục tiêu chính: thúc đẩy một diễn đàn quốc tế trao đổi khoa học và công nghệ giữa các nhà khoa học Việt Nam và trên thế giới trong lĩnh vực điện tử, truyền thông và các lĩnh vực liên quan; thu hút những nghiên cứu chất lượng cao đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin và truyền thông trong nước và trên thế giới. Hội thảo cũng là cầu nối giữa các nhà khoa cùng nhau đóng góp trí tuệ, khoa học công nghệ trong lĩnh vực điện tử và truyền thông, qua đó thúc đẩy sự phát triển khoa học trong nước và quốc tế./.