Khoa học

Thúc đẩy phát triển bền vững ngành công nghệ đất hiếm Việt Nam

Ý thức được tầm quan trọng của đất hiếm, Đảng và Nhà nước ta đã chú ý, thăm dò, đánh giá trữ lượng từ hơn 40 năm nay.

Giáo sư, Viện sỹ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

TTXVN - Sáng 18/10, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “ Đất hiếm Việt Nam: Thực trạng công nghệ khai thác, chế biến và triển vọng".

Phát biểu khai mạc, Giáo sư, Viện sỹ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, đất hiếm là nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều ngành công nghệ cao như: Thông tin - viễn thông, y tế, năng lượng, giao thông - vận tải, quân sự….Mặc dù giá trị giao dịch của đất hiếm trên thế giới hiện nay chỉ dưới 10 tỷ USD/năm nhưng đây lại là nguyên liệu chiến lược, không thể thay thế đối với nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển.

Ý thức được tầm quan trọng của đất hiếm, Đảng và Nhà nước ta đã chú ý, thăm dò, đánh giá trữ lượng từ hơn 40 năm nay. Tuy vậy, đến nay Việt Nam vẫn chưa khai thác và chế biến được mỏ đất hiếm nào. Nguyên nhân chính theo Giáo sư Châu Văn Minh là do thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, hiện Việt Nam chưa có công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm; đây lại là lĩnh vực các nước giữ độc quyền, không chuyển giao công nghệ. Do đó, Hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học tập trung đánh giá chính xác về tiềm năng của đất hiếm Việt Nam; trả lời câu hỏi Việt Nam có nên khai thác đất hiếm và có thể tự phát triển được công nghệ chế biến đất hiếm không? Tác động của khai thác và chế biến đất hiếm đến môi trường, môi sinh, cũng như đề xuất những kiến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học với Đảng và Nhà nước về đất hiếm.

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Chia sẻ tình hình nghiên cứu về đất hiếm tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho hay, đối với lĩnh vực đất hiếm, Viện Vật lý trước đây và Viện Khoa học vật liệu là những đơn vị nghiên cứu đầu tiên trong cả nước. Định hướng khai thác chế biến, ứng dụng khoáng sản đất hiếm đã được Nhà nước đầu tư qua các chương trình khoa học công nghệ và từ các chương trình của Viện Hàn lâm, đạt được một số kết quả khả quan như: Phân chia, làm sạch nguyên tố đất hiếm; ứng dụng đất hiếm làm vật liệu xúc tác; chế tạo nam châm đất hiếm NdFeB; sản phẩm phân bón lá đa vi lượng chứa các nguyên tố đất hiếm....Tuy nhiên, hiện nay, ngành công nghệ đất hiếm chưa phát triển như mong muốn do đầu tư vào lĩnh vực này chưa đủ tầm và không tập trung. Lĩnh vực ứng dụng đất hiếm chưa tìm được ví trí xứng đáng trong nền kinh tế thị trường.

Để thúc đẩy phát triển bền vững ngành công nghệ đất hiếm Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Anh Sơn đề xuất, thời gian tới, Nhà nước cần đặc biệt chú trọng đến chế biến đất hiếm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; phân chia, làm sạch các ôxít đất hiếm phục vụ nghiên cứu và sản xuất, góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường; chế biến sâu một số nguyên tố đất hiếm phục vụ chiến lược chuyển đổi năng lượng, giao thông không phát thải. Cùng với đó, Nhà nước cần xây dựng một cụm thí nghiệm tiên tiến về công nghệ đất hiếm và môi trường; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chiến lược phát triển ngành công nghệ đất hiếm...

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Bá Thuận, Viện Công nghệ xạ hiếm, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng nêu một số đề xuất đối với phát triển và chuyển giao công nghệ của ngành công nghệ đất hiếm. Theo đó, Nhà nước cần phát huy hết năng lực của các viện và tổ chức nghiên cứu; xây dựng một trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chế biến quặng đất hiếm. Ngoài ra, hoàn thiện công nghệ quy mô sản xuất nhỏ và giải quyết phát sinh trong quá trình sản xuất cũng như cập nhật công nghệ mới; liên kết với các doanh nghiệp và chuyển giao công nghệ; thúc đẩy hợp tác quốc tế, đào tạo nhân lực lâu dài cho nghiên cứu và trực tiếp cho nhà sản xuất.

 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu kết luận Hội thảo (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá, với chủ đề: “Đất hiếm Việt Nam: Thực trạng công nghệ khai thác, chế biến và triển vọng”, các tham luận và ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã làm rõ thêm được các vấn đề mang tính cốt lõi đối với sự phát triển của đất hiếm Việt Nam như: Vai trò, tiềm năng của đất hiếm Việt Nam, nhu cầu trong nước và thế giới, khả năng làm chủ công nghệ cũng như những tác động đến môi trường của hoạt động khai thác, chế biến đất hiếm… Đồng thời đã kiến nghị một số giải pháp trong thời gian tới.

Đánh giá cao tâm huyết, những ý kiến nhận xét, đánh giá xác đáng, xuất phát từ thực tiễn, có cơ sở của các diễn giả và các đại biểu tham dự Hội thảo, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, các ý kiến đóng góp, trao đổi tại Hội thảo sẽ được nghiên cứu tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; qua đó đề xuất một số giải pháp khoa học và công nghệ phục vụ khai thác, chế biến đất hiếm Việt Nam một cách hợp lý, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển đất hiếm của Đảng và Nhà nước.

Bộ trưởng tin tưởng, với sự quyết tâm của cộng đồng các nhà khoa học, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu, các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, nhất định Việt Nam sẽ chủ động được công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và chế biến sâu đất hiếm phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước, hướng tới xuất khẩu một cách hợp lý, hiệu quả, đảm bảo môi trường. Qua đó, khẳng định được vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển ổn định, bền vững của đất hiếm Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết luôn sẵn sàng đồng hành cùng Viện Hàn lâm và cộng đồng các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu nêu trên./.

Diệu Thúy - Thu Phương

Xem thêm