Sở Thông tin và Truyền thông Cần Thơ đã triển khai nhiều hình thức, ứng dụng các công nghệ số để xác định nhu cầu của người dân về pháp luật.
TTXVN - Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của thành phố Cần Thơ ngày càng hiệu quả. Kết quả này là nhờ sự nỗ lực của các sở, ban, ngành trong việc đổi mới, đa dạng hóa các mô hình, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hình thức phổ biến pháp luật.
Đó là ý kiến chung của các đại biểu tại Hội nghị hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam, tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật do Sở Tư pháp thành phố Cần Thơ tổ chức ngày 9/11.
Đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ cho biết, với vai trò là thành viên Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật, bên cạnh các hoạt động thường xuyên như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày hội đại đoàn kết dân tộc”…, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố còn có nhiều cách làm sáng tạo như đẩy mạnh các mô hình tư vấn pháp luật miễn phí vào sáng thứ Sáu hàng tuần tại trụ sở, mô hình Quán cà phê pháp luật, Tủ sách pháp luật; phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng bằng phương pháp tuyên truyền miệng tại các buổi sinh hoạt trong nhân dân.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Cần Thơ Dương Thế Dũng cho biết, Sở đã triển khai nhiều hình thức như thông qua việc ứng dụng các công nghệ số để xác định nhu cầu của người dân về pháp luật (Social Listening), đa dạng hóa các hình thức thể hiện nội dung (video, clip, đồ họa thông tin...) để phát trên các nền tảng công nghệ số, giúp người dân dễ dàng và nhanh chóng nắm bắt được các thông tin pháp luật mới. Sở đã tham mưu thành phố nghiên cứu, xây dựng ứng dụng cơ sở dữ liệu nền tảng về các nội dung quy định pháp luật, hỏi đáp pháp luật, tình huống hỏi đáp.
Trên cơ sở đó, người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước tra cứu, tìm kiếm pháp luật dưới dạng hỏi - đáp, tình huống; phát triển công cụ tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải đáp pháp luật online (như mô hình Trợ lý ảo với ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI và nền tảng dữ liệu lớn…).
Đồng quan điểm về việc cần đẩy mạnh công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đại diện Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đề xuất các giải pháp như: Tăng cường tổ chức các phiên tòa trực tuyến, nhất là các địa bàn trọng điểm về một số loại tội phạm. Những phiên tòa trực tuyến này sẽ tạo được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng dân cư, giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ những quy định của pháp luật…
Chỉ đạo Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho biết, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được sự quan tâm chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn đã nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đầu tư nguồn lực, nhân lực để thực hiện công tác này. Các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các đề án của bộ, ngành có liên quan được triển khai đồng bộ, kịp thời thông qua các hình thức đa dạng, phong phú.
Thời gian tới, thành phố chú trọng đổi mới nội dung, cách thức triển khai thực hiện tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu của người dân thành phố và từng nhóm đối tượng, địa bàn (nhất là vùng nông thôn); ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông... trong phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, hệ thống thông tin cơ sở. Đồng thời, phát huy vai trò của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; chuẩn hóa đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật…
Trong khuôn khổ Hội nghị, Ban Tổ chức đã trao giải Cuộc thi viết về “Gương người tốt, việc tốt” cho 15 tập thể và 16 cá nhân; tặng Bằng khen các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Giấy khen cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật Hộ tịch./.