Xã hội

Để hài hòa lợi ích doanh nghiệp - người lao động: * Bài 1: Bài toán cắt giảm lao động

TP. Hồ Chí Minh

Thiếu đơn hàng, gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh buộc thay đổi quy mô sản xuất không chỉ diễn ra ở những doanh nghiệp có thâm dụng lao động mà đang là tình cảnh chung của nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, da giày.

Công nhân lao động tại nhà xưởng Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng tại khu Công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

TTXVN - Tình hình kinh tế thế giới suy thoái từ nửa cuối năm trước đến nay chưa có dấu hiệu dừng đã và đang tác động trực tiếp đến cung - cầu sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp, nhất là các công ty xuất khẩu, doanh nghiệp FDI. Từ thực tiễn đó, các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh phương án sản xuất, sắp xếp lại lao động khiến không ít người mất việc, giảm giờ làm, luân phiên làm việc… Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm hai bài viết phản ánh về tình hình lao động việc làm hiện nay cũng như các giải pháp vượt khó của doanh nghiệp và người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bài 1: Bài toán cắt giảm lao động

Từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyển dụng lao động mới không nhiều, trái ngược với những năm trước đây doanh nghiệp luôn đỏ mắt, tìm đủ cách để tuyển lao động, bù đắp vào số người nghỉ việc sau kỳ nghỉ Tết.

* Tình trạng chung

Theo các chuyên gia lao động việc làm dự báo, tình hình kinh tế năm 2023 tiếp tục có những biến động theo hướng đi xuống bởi tác động từ những cuộc xung đột trên thế giới khiến giá nhiên liệu, nguyên phụ liệu sản xuất của hầu hết các mặt hàng đều tăng. Cùng với đó, trước những khó khăn chung, người tiêu dùng dần ý thức tiết kiệm hơn trong cuộc sống.

Mới đây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) đã quyết định dừng hợp đồng lao động với gần 2.300 công nhân khi hết hạn; đồng thời, dự kiến tiếp tục cắt giảm thêm lao động ở khu C và khu D. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) cắt giảm 1.400 lao động; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tỷ Hùng (quận Bình Tân) chấm dứt hợp đồng lao động gần 1.200 người…

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Quận 12, Hóc Môn, Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh từng thông báo tuyển thêm nhiều công nhân lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất dịp cuối năm. Do đơn hàng đột ngột giảm, nhiều đơn vị ngừng tuyển dụng, bố trí làm việc luân phiên, nghỉ phép năm hoặc tạm ngừng việc.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn May mặc Dony (huyện Bình Chánh) cho biết, những năm trước, đơn hàng xuất khẩu từ cuối năm thường phủ kín đến hết quý I năm sau. Các đối tác chủ động tìm đến doanh nghiệp để đặt hàng. Công nhân phải tăng ca liên tục để kịp thời hoàn tất các đơn hàng theo đúng kế hoạch…

Theo ông Phạm Quang Anh, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, doanh nghiệp không có đơn hàng xuất khẩu hoặc có nhưng không thương thảo được bởi giá đối tác đưa ra rất thấp, không đảm bảo chi phí sản xuất. Do đó, các công ty tạm chọn giải pháp tối ưu hóa chi phí, cắt giảm lao động thời vụ một thời gian, chỉ giữ lại lao động thường trực, hạn chế tăng ca ở một số bộ phận. Trong thời điểm nhiều khó khăn đó, doanh nghiệp duy trì được lực lượng lao động hay một phần lớn lao động thường trực là sự cố gắng rất lớn.

Trong hoàn cảnh tương tự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ampfield (chuyên may hàng thể thao xuất khẩu sang Pháp, đóng tại Khu Công nghiệp Tân Bình, có gần 700 công nhân) cũng lần lượt cắt giảm lao động, chỉ còn lại chưa quá 100 người. Không còn nhiều đơn hàng, không tăng ca, giảm thu nhập, doanh nghiệp để người lao động tự quyết định tìm việc mới ở những công ty có nhu cầu.

Bà Võ Thị Sáu, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ampfield chia sẻ, tại thời điểm giãn cách do dịch COVID-19, doanh nghiệp chịu tác động rất lớn xong vẫn duy trì trả lương, đảm bảo cuộc sống cho người lao động. Song từ cuối năm 2022 đến nay, do tác động của suy thoái kinh tế, doanh nghiệp bị giảm đơn hàng và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp giảm sút nhiều… Trước mắt, số ít người lao động còn lại tạm thay phiên làm việc đến hết quý I/2023. Lãnh đạo Công ty đang cố gắng tìm kiếm những thị trường mới, sản phẩm mới nhằm tạo việc làm, ổn định đời sống cho công nhân.

Thực tế, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng, gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh buộc thay đổi quy mô sản xuất không chỉ diễn ra ở những doanh nghiệp có thâm dụng lao động như Công ty PouYuen Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tỷ Hùng (quận Bình Tân), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) mà đang là tình cảnh chung của nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, da giày. Các doanh nghiệp cho biết, tình hình đơn hàng xuất khẩu năm nay rất ảm đạm, số đơn hàng tới tháng 4 không nhiều. Đa phần chỉ có đến hết tháng 2/2023.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư thương mại Thành Công (quận Tân Phú) cho biết, hàng năm, sau Tết Nguyên đán, nhà máy thường hụt từ 10 - 15% lao động do công nhân chuyển đổi công việc hoặc về quê không quay trở lại. Để tuyển người, Công ty phải về các tỉnh nhờ tuyển dụng; thậm chí đưa máy móc, thiết bị… về các địa phương để đào tạo tại chỗ nhưng vẫn không tuyển đủ. Tuy nhiên, lĩnh vực dệt may hiện đang gặp khó về đơn hàng. Từ sau Tết đến nay, người lao động nhảy việc ít hơn mọi năm, tỷ lệ biến động lao động khá thấp, chỉ khoảng 1,8%. Trong quý I/2023, lượng đơn hàng chưa hồi phục hoàn toàn, doanh nghiệp cũng hạn chế tuyển dụng, thậm chí không có kế hoạch tuyển thêm.

* Làn sóng cắt giảm, mất việc lan rộng

Việc chi tiêu thấp hay người tiêu dùng mua sắm có chọn lọc khiến nhiều sản phẩm, nhất là hàng hóa không thiết yếu bị dồn ứ, tồn kho ngày càng nhiều. Tiêu thụ giảm, các đối tác đã chủ động cắt giảm đơn hàng khiến các doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh, tổ chức hoạt động phù hợp trong tình hình mới. Từ khó khăn của doanh nghiệp, người lao động phải luân phiên làm việc, ngừng việc và mất việc ngày càng nhiều.

Sản xuất linh kiện điện tử kỹ thuật cao tại Cty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam (Nhật Bản) trong Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có gần 500 doanh nghiệp bắt buộc phải cắt giảm lao động hoặc cho lao động luân phiên nghỉ việc, giảm giờ tương ứng khoảng 640.000 lao động. Trong đó, chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Nam và ở các ngành nghề như: da giày (chiếm 25 - 30%); dệt may (chiếm 20 - 30%); công nghiệp (chiếm 50%); chế biến gỗ (gần 70%)...

Chị Dương Thị Bích Thủy (công nhân Công ty Trách nhiệm Tỷ Hùng hơn 17 năm) tâm sự, chị chưa bao giờ nghĩ đến việc phải ngừng việc bởi Công ty đang phát triển thêm mấy nhà máy ở tỉnh lân cận. Khi biết tin nhà máy cắt giảm lao động, chị cùng nhiều công nhân phân xưởng bị sốc, hoang mang, lo lắng bởi vì tuổi không còn trẻ và hoàn cảnh gia đình khó khăn. Giờ đây, tìm công việc mới phù hợp với lứa tuổi thật sự là quá khó. Mọi người mong muốn, doanh nghiệp, các cấp, ngành có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để công nhân, người lao động được đi làm, kiếm sống bằng chính đôi tay của mình.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Tâm (công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam) dự tính làm ở công ty lâu dài bởi đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề. Tuy nhiên, việc thu hẹp sản xuất, sắp xếp lại các vị trí việc làm của doanh nghiệp khiến anh Tâm rơi vào cảnh thất nghiệp. Anh Tâm mong muốn, công ty chia sẻ và có hướng hỗ trợ thỏa đáng, nhất là với những người lao động gắn bó với doanh nghiệp nhiều năm. Trước mắt, anh Tâm đã đăng ký chạy xe ôm công nghệ để có thu nhập chi tiêu hàng ngày.

Việc doanh nghiệp cắt giảm lao động tác động không nhỏ đến đời sống, an sinh xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người lao động. Nhiều công nhân bị mất việc, thu nhập đột ngột giảm khiến cuộc sống bấp bênh, nhất là với những người có con nhỏ, có người già, người thân đau yếu, công nhân lao động ngoài tỉnh. Nhiều lao động trong thời gian chờ nhận bảo hiểm thất nghiệp đã nộp đơn xin việc làm mới. Một số người quyết định trở về quê hương tìm đường mưu sinh sau khi hoàn tất các thủ tục thôi việc; số khác tranh thủ đi phụ việc, bán hàng, làm thuê hay chạy xe ôm công nghệ để trang trải cuộc sống.

Theo ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam, từ cuối năm 2022, công ty đã cố gắng đàm phán, tìm kiếm đơn hàng; tăng cường cạnh tranh; đồng thời, nỗ lực bố trí, sắp xếp công việc cho người lao động an tâm làm việc và duy trì thưởng Tết. Tuy nhiên, do thị trường ở các nước sụt giảm, không có đơn hàng mới cùng với việc doanh nghiệp dự báo gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh thời gian dài nên giải pháp cắt giảm lao động là ngoài mong muốn của đơn vị...

Làn sóng mất việc làm, cắt giảm việc đã và đang lan rộng, kéo dài từ cuối năm 2022 đến nay. Việc hàng trăm ngàn công nhân bị giảm giờ làm, thậm chí mất việc không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt gia đình, các chi tiêu ăn uống, học hành của con cái mà còn ảnh hưởng đến an sinh xã hội tại địa phương.../. (Còn tiếp)

Bài 2: Đi tìm “tiếng nói” chung

Thanh Vũ

Xem thêm