Hội thảo là dịp để các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trao đổi, thảo luận vấn đề liên quan đến sự phát triển bền vững của ASEAN.
Ngày 11/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), Đại học Chiang Mai (Thái Lan) và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc tế “Tiến tới Phát triển Bền vững tại các Quốc gia ASEAN: Quan hệ Quốc tế, Thách thức Pháp lý trong Bối cảnh Toàn cầu hóa và Hiện đại hóa”.
Hội thảo là dịp để các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trao đổi, thảo luận vấn đề liên quan đến sự phát triển bền vững của ASEAN như: Tăng cường quan hệ quốc tế, hài hòa hóa khung pháp lý quốc gia với các tiêu chuẩn quốc tế, tận dụng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy hợp tác khu vực trong bối cảnh toàn cầu hóa…
Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh ASEAN đang sở hữu một bức tranh địa chính trị đa dạng, các nền kinh tế tăng trưởng nhanh và dân số đang bùng nổ; song ASEAN là một khu vực dễ bị tổn thương nhất về mặt sinh thái trên thế giới.
“Do vậy, để các quốc gia phát triển bền vững, con đường tiến về phía trước đòi hỏi các quốc gia thành viên phải nỗ lực tăng cường hợp tác khu vực, thúc đẩy quan hệ quốc tế, hài hòa hóa hệ thống pháp luật quốc gia với chuẩn mực quốc tế, tận dụng công nghệ tiên tiến để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và cân bằng hợp tác toàn cầu giữa các quốc gia ASEAN”, Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Đại chia sẻ.
Chia sẻ con đường pháp lý hướng tới sự bền vững của ASEAN, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thăng Long chỉ ra các mâu thuẫn nổi bật trong chính sách đầu tư của ASEAN hiện nay giữa việc bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư nước ngoài và việc thực thi các cam kết phát triển bền vững. Ông kiến nghị ASEAN cần cải cách nội dung các điều khoản về nguyên tắc đối xử công bằng và thỏa đáng (FET); xây dựng hệ thống pháp lý hài hòa giữa bảo hộ đầu tư và lợi ích công, đồng thời hiện đại hóa cơ chế thỏa thuận thương mại và đầu tư để giải quyết tranh chấp (ISDS) theo hướng cân bằng, có trách nhiệm...
Giáo sư, Tiến sỹ Pornchai Wisuttisak (Đại học Chiang Mai, Thái Lan) chia sẻ chương trình đầu tư trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và đầu tư bền vững tại khu vực; chỉ ra khung pháp lý khu vực nhằm bảo hộ và thúc đẩy dòng chảy đầu tư giữa các quốc gia thành viên, nhất là vai trò của Hiệp định trong việc tăng cường kết nối đầu tư.
Nhấn mạnh sự thiếu vắng các tiêu chuẩn ràng buộc về đầu tư bền vững trong RCEP, Giáo sư, Tiến sỹ Pornchai Wisuttisak cũng đề xuất các giải pháp thiết lập hiệp định đầu tư bền vững riêng cho khu vực, phối hợp kiểm soát đầu tư xuyên biên giới và lồng ghép chính sách địa phương với quy chuẩn khu vực. Giáo sư cảnh báo việc cân bằng giữa thu hút đầu tư và bảo vệ phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh các FTA như RCEP còn thiếu cơ chế bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội rõ ràng.
Các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận, nêu rõ nhóm phát triển bền vững trong ASEAN: Hành lang pháp lý và thể chế; khung pháp lý khu vực và thách thức thực thi; chủ nghĩa khu vực, giải quyết tranh chấp; chuyển đổi số, phát triển bền vững ở ASEAN; kiến tạo tương lai bền vững…
Các đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, phân tích chính sách, so sánh pháp luật quốc tế và đề xuất mô hình khung pháp lý điều chỉnh hiệu quả những vấn đề phát sinh nhằm đảm bảo 3 trụ cột quan trọng của phát triển bền vững, bao gồm kinh tế – xã hội – môi trường đều được quan tâm thích đáng ở cấp độ quốc gia và trong khu vực ASEAN./.
- Từ khóa:
- cải cách pháp lý
- phát triển bền vững
- ASEAN