Nhờ sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng, đời sống đồng bào các xã biên giới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đi lên, bà con yên tâm sản xuất, làm ăn, thoát nghèo bền vững.
TTXVN - Cùng với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai đã tham gia giúp đồng bào các xã biên giới phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, thoát nghèo bền vững…Cán bộ, chiến sỹ Biên phòng trở thành điểm tựa vững chắc của cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào ở khu vực biên giới Lào Cai.
* Giúp dân làm kinh tế, loại bỏ hủ tục
Thiếu tá Thào Phù Páo, Đồn Biên phòng Si Ma Cai được đơn vị giới thiệu tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã Sán Chải. Đảng ủy xã phân công anh trực tiếp phụ trách thôn Lù Dì Sán. Đây là thôn “3 không” (không điện, không đường, không nước sạch), bà con còn giữ nhiều hủ tục lạc hậu trong sinh hoạt, nương rẫy hoang hóa vì canh tác lạc hậu, không hiệu quả, nạn tảo hôn còn là vấn đề nhức nhối.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác vận động quần chúng, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào, Thiếu tá Thào Phù Páo nhanh chóng tiếp cận địa bàn, phối hợp cùng cán bộ của thôn từng bước giúp đỡ bà con nâng cao kiến thức, dần loại bỏ hủ tục lạc hậu. Anh dành thời gian xuống khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình sản xuất, đời sống của đồng bào để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế.
Nhận thấy đất đai, khí hậu Lù Dì Sán thích hợp với chăn nuôi đại gia súc, Tỉnh ủy Lào Cai vừa ban hành Nghị quyết về giảm nghèo bền vững, Thiếu tá Thào Phù Páo cùng lãnh đạo thôn vận động bà con phát triển đàn trâu, bò. Hiểu được tâm lý “ngại” thay đổi của bà con, anh đề nghị Chi bộ phân công các đảng viên gương mẫu làm trước để bà con thấy được hiệu quả noi theo.
Anh Ma Seo Lìn - đảng viên tiêu biểu của thôn được Thiếu tá Thào Phù Páo và Chi bộ đến động viên, vận động gia đình chăn nuôi đại gia súc. Từ đó, anh Lìn mạnh dạn vay vốn thực hiện mô hình chăn nuôi bò, trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Được phổ biến, hướng dẫn kiến thức chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, đến nay, đàn bò của gia đình anh Lìn phát triển tốt, trở thành tấm gương tiêu biểu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ở địa phương.
Lù Dì Sán hôm nay dẫu vẫn còn nhiều khó khăn nhưng so với trước đây, thôn thực sự đã “thay da đổi thịt”. Vùng đất hoang hóa đang từng ngày hồi sinh, kinh tế phát triển, nhận thức đi lên, hủ tục về ma chay, cưới hỏi dần được đẩy lùi, chuyện bất bình đẳng giới, sinh con thứ 3 hầu như không còn trong những gia đình trẻ.
Có lẽ điều vui nhất là trẻ nhỏ được đến trường đúng độ tuổi, học những điều hay, sau này xây dựng quê hương mình giàu đẹp hơn. Khi người dân tin tưởng cấp ủy, chính quyền địa phương, tin bộ đội, chính họ sẽ trở thành tai mắt, cánh tay nối dài trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và an ninh trật tự địa bàn.
Nhịp sống yên bình của Lù Dì Sán, luôn có hình ảnh quen thuộc của những người lính quân hàm xanh. Hơn 50 hộ dân cùng chung tay xây dựng biên giới bình yên, trở thành điểm sáng trên tuyến biên giới Lào Cai. Với người dân Lù Dì Sán, không biết từ khi nào, Thiếu tá Thào Phù Páo như người chú, người anh, người bạn của mỗi gia đình.
* Hỗ trợ người dân định cư, lập nghiệp
Khác với Lù Dì Sán, thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát vốn là bản mới của người Mông, từ các xã Dìn Chin, Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương đến đây lập nghiệp.
Từ những ngày đầu tiên, các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng A Mú Sung giúp đỡ để bà con về Lũng Pô sớm định canh, định cư và lập nghiệp.
Được sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông huyện Bát Xát, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng A Mú Sung cùng chính quyền địa phương mạnh dạn hướng dẫn bà con địa phương đưa giống chuối, dứa lên vùng đất này trồng thử nghiệm. Sau một thời gian, giống cây này phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, chuối, dứa cho năng suất tốt. Từ đó, mô hình được nhân ra toàn thôn, tạo thành vùng chuyên canh tập trung, nhiều hộ trong thôn thoát nghèo. Sau 16 năm lập bản mới, cuộc sống của bà con đã có nhiều đổi thay. Đến nay, thôn Lũng Pô có gần 100 hộ, tạo nên một bản làng trù phú nơi địa đầu Tổ quốc.
Trên mảnh đất Lũng Pô hôm nay, cuộc sống người dân khấm khá hơn, thôn không còn nhà dột nát. Hầu như nhà nào cũng có xe máy, ti vi, vài hộ có ô tô để vận chuyển hàng hóa.
Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh biên giới được củng cố. Lũng Pô được đánh giá là địa bàn “ổn định, vững chắc” với các mô hình nổi bật như “Thôn bản bình yên - gia đình hạnh phúc”, “Khu dân cư đoàn kết tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”. Đời sống được nâng lên, bà con đồng lòng tham gia các phong trào do Nhà nước phát động. Lũng Pô là thôn đầu tiên của xã về đích nông thôn mới, Bí thư Chi bộ thôn Lũng Pô Ma Seo Lằng chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai cho biết thêm, từ khi COVID-19 bùng phát, không thể đi làm ăn xa, hàng ngàn người dân vùng biên giới buộc phải ở nhà mưu sinh. Để giúp bà con ổn định cuộc sống, Bộ đội Biên phòng Lào Cai không chỉ hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi mà còn hướng dẫn đồng bào kỹ thuật chăn nuôi, canh tác hiệu quả.
Nhờ sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng, đời sống đi lên, bà con yên tâm sản xuất, làm ăn. Trên 200 mái ấm người nghèo được làm mới, 73 trẻ em mồ côi được nuôi dưỡng và hàng nghìn ngày công lao động giúp nhân dân làm đường giao thông, xây bể nước, tu sửa lớp học... Đó là tấm lòng của người lính Biên phòng dành cho nhân dân biên giới Lào Cai trong 5 năm qua.
Những hoạt động thiết thực như, khám chữa bệnh, nâng bước em tới trường, “Xuân Biên phòng, ấm lòng dân bản” được các Đồn Biên phòng thường xuyên tổ chức. Nhờ làm tốt công tác dân vận, thiết thực giúp người dân phát triển kinh tế, xã hội đã đóng góp không nhỏ vào việc hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới trên địa bàn. Các Đồn Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng mô hình tự quản đường biên, cột mốc và trật tự thôn, bản. Nhiều nguồn tin quan trọng từ quần chúng nhân dân giúp các đơn vị kịp thời đấu tranh ngăn chặn.
Việc làm của những người lính quân hàm xanh nơi đã trở thành cầu nối vững chắc giúp củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; giúp đồng bào vùng biên phát huy tinh thần đoàn kết, cùng lực lượng Biên phòng bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng Tổ quốc.
Những chiến sỹ quân hàm xanh “miệng nói, tay làm”, vừa tuyên truyền, vận động, vừa trực tiếp tham gia lao động sản xuất với nhân dân, nhờ đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao.
Các đồn Biên phòng phân công đảng viên phụ trách các hộ ở khu vực biên giới để vừa nắm chắc tình hình nhân dân, tình hình địa bàn vừa giúp bà con phát triển kinh tế; tuyên truyền vận động giúp họ hiểu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm đối với việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Những tên gọi, hình ảnh người thầy thuốc, thầy giáo... mang trên mình bộ quân phục màu xanh đã trở nên rất gần gũi, thân thiết và là chỗ dựa tin cậy của nhân dân khu vực biên giới ở Lào Cai./.