Xã hội

Đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống

Nam Định

Để khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, đời sống, ngành tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khoa học và công nghệ thực hiện sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm

Nghiên cứu, sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tại Trung tâm ứng dụng, dịch vụ khoa học và công nghệ, sở KHCN tỉnh Nam Định. (Ảnh:TTXVN phát)

TTXVN - Những năm gần đây, tỉnh Nam Định đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất và đời sống, đặc biệt là ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, từng bước hình thành thị trường công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

*Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất

Phát triển nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực đang được nghiên cứu và áp dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Các nghiên cứu đều hướng tới việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và an toàn, xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị cao, từng bước đưa công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất hoa thương phẩm chất lượng cao tại Nam Định” được áp dụng tại Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh Nam Phong, xã Nam Phong, thành phố Nam Định từ năm 2020.

Trên diện tích 1.000m2, hợp tác xã xây dựng nhà màng có lắp đặt hệ thống điều khiển nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm tự động và bán tự động theo nhu cầu sinh trưởng ở từng giai đoạn của cây. Áp dụng kỹ thuật nhân giống hoa lan hồ điệp từ nuôi cấy mô, hợp tác xã thực hiện nhân giống, trồng và chăm sóc khoảng 30.000 cây hoa lan hồ điệp cung cấp ra thị trường chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán từ 120.000 - 150.000 đồng/cây, doanh thu từ hoa lan hồ điệp của hợp tác xã khoảng trên 3 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Hoa, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh Nam Phong cho biết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế vượt trội hơn so với canh tác truyền thống. Khi áp dụng khoa học công nghệ, giá thành sản phẩm được nâng lên, các công đoạn sản xuất được rút ngắn, hơn hết là có thể kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Với việc chuyển giao kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp của Nhật Bản thông qua dự án “Xây dựng hệ thống sản xuất, chế biến phân bón hữu cơ từ nguồn phế phẩm nông nghiệp”, Hợp tác xã nông nghiệp Bắc Cường, xã Yên Cường, huyện Ý Yên đã thực hiện sản xuất phân hữu cơ từ năm 2016.

Theo đó, toàn bộ thành viên của hợp tác xã được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ bằng cách trộn ủ phân chuồng, phụ phẩm nông nghiệp; cách thức cải tạo đất bạc màu bằng phân hữu cơ, kỹ thuật canh tác nông nghiệp an toàn.

Ông Ngô Minh Đức, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bắc Cường cho biết trung bình mỗi năm hợp tác xã đã tự sản xuất được 90 - 100 tấn phân hữu cơ. Với việc sử dụng phân hữu cơ, năng suất được nâng lên từ 15 - 20% so với canh tác sử dụng phân bón hóa học. Chất lượng rau, củ, quả của địa phương được nâng lên rõ rệt.

Từ đây, diện tích trồng rau màu trong xã ngày một mở rộng, từ 3ha năm 2017, đến nay toàn xã có hơn 20ha trồng rau theo hướng hữu cơ có liên kết bao tiêu sản phẩm. Thu nhập bình quân đạt 90 - 100 triệu đồng/ha (đối với cây trồng 1 lứa, trong 90 ngày); từ 150 - 170 triệu đồng/ha (đối với cây trồng 2 lứa, 50 ngày/lứa)”. Xã có 10 sản phẩm rau, củ, quả đạt chứng nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao.

* Gắn nghiên cứu khoa học với phục vụ đời sống

Với mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống góp phần thực hiện chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, phát triển kinh tế biển, ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định chú trọng lựa chọn các nhiệm vụ thực sự trọng tâm, ưu tiên trong chương trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Theo đó, ngành Khoa học và Công nghệ nâng cao chất lượng tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua việc khảo sát, báo cáo đánh giá năng lực, điều kiện khi lựa chọn đơn vị chủ trì thực hiện.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đang quản lý, triển khai 64 đề tài, dự án khoa học và công nghệ. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện trên các lĩnh vực: Khoa học xã hội nhân văn, công nghệ thông tin, nông nghiệp, thủy sản, thủy lợi, giáo dục đào tạo...

Nhiều dự án có tính ứng dụng cao như: Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng Litopenaus vannamei theo hướng hữu cơ, sử dụng công nghệ sinh học thay thế thuốc kháng sinh và hóa chất; Điều tra đánh giá hiện trạng ô nhiễm kim loại nặng trong đất sản xuất nông nghiệp; Nghiên cứu đề xuất giải pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tại các cơ sở hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh Nam Định...

Ông Trần Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định cho biết, ngành đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực của tỉnh, khai thác có hiệu quả lợi thế của từng vùng, địa phương trong đó chú trọng nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng đô thị thông minh, mô hình trường/lớp học thông minh.

Theo đó, ngành tham mưu cho UBND tỉnh các chương trình hợp tác về khoa học và công nghệ với các Viện, Trường Đại học đầu ngành nhằm liên kết các nhà khoa học để chuyển giao kết quả nghiên cứu, công nghệ mới cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực: Cơ khí chế tạo; dệt may; nông nghiệp, thủy sản; bảo quản chế biến sau thu hoạch; xử lý môi trường; trồng và chế biến dược liệu...

Để khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, đời sống, ngành tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khoa học và công nghệ thực hiện sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm gắn với chương trình Sở hữu trí tuệ và truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh để hỗ trợ xuất khẩu. Đồng thời, ngành chú trọng xây dựng, phát triển hạ tầng cơ sở khoa học và công nghệ gắn với việc hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo./.

PV

Xem thêm