Hành vi mua bán người xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của nạn nhân và gia đình, gây nên những bất ổn trong xã hội.
TTXVN- Thông tin từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho hay, trước những diễn biến phức tạp của nạn mua bán người gần đây, cơ quan này đang đẩy mạnh truyền thông cộng đồng, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong hoạt động phòng, chống mua bán người, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của cộng đồng về phòng, chống mua bán người, đồng thời tích cực hỗ trợ các nạn nhân bị buôn bán trở về.
Theo bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tại Việt Nam, với sự phát triển của Internet và mạng xã hội hiện nay, tội phạm mua bán người thông qua mạng xã hội, các tài khoản ảo, qua SIM điện thoại không chính chủ để kết bạn, làm quen, yêu đương, hứa hẹn đưa ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao, lấy chồng người nước ngoài giàu có.... Sau đó, các đối tượng tìm cách đưa nạn nhân qua biên giới, thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục, cưỡng ép hoạt động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp.
Những hành vi này xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của nạn nhân và gia đình, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em, gây nên những bất ổn trong xã hội, gieo rắc nỗi đau tận cùng cho biết bao gia đình.
Bà Hà Thị Nga cũng cho hay, Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng với các cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng tiếp tục xác định công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hóa thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của tổ chức hội, đơn vị, địa phương.
Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống mua bán người, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung làm tốt công tác phòng ngừa xã hội; lồng ghép nội dung phòng ngừa tội phạm mua bán người vào trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết vấn đề lao động, việc làm, giúp người dân cải thiện cuộc sống, hạn chế di cư- bà Hà Thị Nga nhấn mạnh.
“Bên cạnh đó, Hội cũng như các cơ quan chức năng, các địa phương cần chú trọng đổi mới hơn nữa nội dung, đa dạng hình thức giáo dục pháp luật và tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, phong tục, tập quán và hướng đến đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân bị mua bán”, bà Hà Thị Nga nói.
Theo số liệu của Bộ Công an, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình tội phạm mua bán người có xu hướng gia tăng. Trong đó, tình trạng mua bán người trong nội địa và nạn nhân của tội phạm mua bán người là nam giới có xu hướng tăng mạnh.
Nếu năm 2004, tỷ lệ nạn nhân là nam giới và trẻ em trai chỉ là 13% và 3%, đến năm 2020, 23% nạn nhân bị mua bán là nam giới và 17% là trẻ em trai. Tỷ lệ nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái giảm đi nhưng nạn nhân là phụ nữ bị bạo lực thể chất gấp 3 nạn nhân nam giới, trẻ em bị bạo lực gấp đôi người lớn.
Số liệu Bộ Công an cũng cho thấy, giai đoạn từ năm 2011 đến 2020, mua bán người trong nội địa chiếm 15%, nạn nhân là nam giới chiếm 10%; giai đoạn từ năm 2018 đến hết năm 2022, mua bán người trong nội địa chiếm 34%, nạn nhân là nam giới chiếm 27%. Tuy nhiên, tính riêng trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, mua bán người trong nội địa và nạn nhân là nam giới chiếm trên 40%./.
- Từ khóa:
- mua bán người
- tệ nạn xã hội