Diễn đàn Nông dân Quốc gia 2023: Sản phẩm nông nghiệp phải có thương hiệu, chất lượng cao
Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, an sinh, công bằng xã hội, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động trong nước, đặc biệt là những lao động yếu thế trong xã hội.
TTXVN - Sáng 12/10, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII 2023 với chủ đề "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp" được tổ chức tại Hà Nội. Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn; tham gia Diễn đàn còn có 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 và đại diện của 63 hợp tác xã tiêu biểu, cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học…
*Kinh tế tập thể góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Đánh giá cao việc Hội Nông dân lựa chọn chủ đề cho diễn đàn năm nay, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, đây là hoạt động rất thiết thực chào mừng kỉ niệm 93 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (13/10/1930 - 13/10/2023) và triển khai Nghị quyết Trung ương lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Đảng, Nhà nước xác định rõ và coi kinh tế tập thể là một trong 4 thành phần kinh tế không thể thiếu, cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài FDI, tạo nên sự ưu việt của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Trong những năm qua, khu vực kinh tế tập thể đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, Hội Nông dân và hội viên hội nông dân đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể. Hiện nay, trong hơn 31 nghìn hợp tác xã có hơn 20 nghìn hợp tác xã nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số hợp tác xã cả nước. Trong gần 6 triệu thành viên hợp tác xã có trên 3,8 triệu là nông dân, chiếm trên 63%% tổng số thành viên. Nhiều loại hình hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo nên các chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, an sinh, công bằng xã hội, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động trong nước, đặc biệt là những lao động yếu thế trong xã hội. Nhưng thực tế cũng cho thấy, các hợp tác xã hiện nay cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức cả về vốn, đất đai, tiêu thụ nông sản cho đến năng lực quản trị, cơ chế, chính sách để vận hành, hoạt động của các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đánh giá cao các ý kiến của đại biểu liên quan đến vấn đề tín dụng cho lĩnh vực kinh tế hợp tác, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ban Tổ chức tổng hợp các ý kiến để Chính phủ tiếp thu, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, để triển khai các chủ trương của Đảng, Luật Hợp tác xã đi vào cuộc sống.
Trong 9 tháng vừa rồi tăng trưởng tín dụng đối với nông dân, hợp tác xã qua 2 ngân hàng Agribank và Ngân hàng chính sách xã hội khoảng 30.000 tỷ, đưa tổng dư nợ lên 170.000 tỷ. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên quy mô các hợp tác xã còn nhỏ, liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị còn yếu, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm; chưa gắn kết chặt chẽ với các loại hình kinh tế khác- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị Hội Nông dân Việt Nam cần xây dựng nội dung và phương pháp tuyên truyền, giáo dục bảo đảm thiết thực và hiệu quả, hình thức đa dạng, phong phú; kịp thời tôn vinh và nhân rộng các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả; phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua. Hội Nông dân các cấp tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập mới được nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác hơn nữa trên cơ sở các chi, tổ hội nghề nghiệp.
Đối với các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Minh Khái yêu cầu theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần tập trung nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà đại diện các hợp tác xã đã nêu lên tại Diễn đàn, nhất là không đùn đẩy trách nhiệm với những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách về hợp tác xã. Đối với những vấn đề còn khó khăn, phức tạp, các bộ, cơ quan cần chủ động tham mưu, báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Một yếu tố hết sức quan trọng là các hợp tác xã phải chủ động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị. Các sản phẩm làm ra phải có thương hiệu, chất lượng cao, đáp ứng được thị trường trong nước và thế giới, nhất là gắn với thương hiệu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Các hợp tác xã cũng cần nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất- kinh doanh; tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm hiện đại hóa các khâu sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm- Phó Thủ tướng nêu rõ.
*Phát triển hợp tác xã đã góp phần xóa đói, giảm nghèo
Tại Diễn đàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh: Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một chủ trương lớn, xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, kinh tế tập thể, hợp tác xã đang trở thành một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế đất nước, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội.
Để củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Thực hiện chủ trương của Đảng, những năm qua Hội Nông dân Việt Nam luôn xác định tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội; tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và đạt được nhiều kết quả quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho hội viên, nông dân…
Thông qua hoạt động của các cấp Hội đã thu hút gần 570.000 lượt hộ nông dân gia các dự án nhóm hộ xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng, thành lập trên 23.000 mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả, trong đó có trên 3.800 hợp tác xã và trên 19.000 tổ hợp tác với doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã đạt 4,7 tỷ đồng, lợi nhuận 350 triệu đồng/năm; doanh thu bình quân mỗi tổ hợp tác khoảng 240 triệu/năm, lợi nhuận đạt gần 40 triệu/năm; số hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên ngày càng tăng với trên 700 hợp tác xã (chiếm gần 20%).
Diễn đàn tập trung thảo luận một số vấn đề lớn như thực trạng phát triển kinh tế tập thể ở nước ta hiện nay. Đồng thời, nêu lên những đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; vai trò của Hội Nông dân Việt Nam, giai cấp nông dân trong tham gia tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập hợp tác xã và xây dựng, phát triển các mô hình, chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh nông sản. Đây cũng là cơ hội chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp với các Hợp tác xã, giữa nông dân với hợp tác xã, giữa hợp tác xã với doanh nghiệp trong việc tạo chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản. Thảo luận về vấn đề ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh, vào các hợp tác xã, tổ hợp tác phục vụ sản xuất, xuất khẩu nông sản./.