Định hướng kế hoạch kiểm toán năm 2024: Chú trọng chất lượng, không tăng nhiệm vụ so với năm 2023
Năm 2024, Kiểm toán Nhà nước sẽ không tăng số cuộc kiểm toán; các đơn vị cần tham mưu đề xuất các nhiệm vụ kiểm toán đảm bảo đúng, trúng theo định hướng về xây dựng kế hoạch kiểm toán của Ngành.
TTXVN - Ngày 15/6, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết: Định hướng kế hoạch kiểm toán năm 2024 sẽ chú trọng vào chất lượng, không tăng nhiệm vụ kiểm toán so với năm 2023.
*Năm 2024 không tăng số cuộc kiểm toán
Mục tiêu tổng quát của việc xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2024 xác định: “Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030, thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ; nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đặc biệt là nhiệm vụ trình ý kiến về dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước, gia tăng hiệu lực kết luận và kiến nghị kiểm toán; tiếp tục phát huy vai trò Kiểm toán Nhà nước là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.
Việc xây dựng kế hoạch kiểm toán phải dựa trên nguyên tắc: Đảm bảo tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước theo quy định tại Điều 118 Hiến pháp năm 2013; tuân thủ Luật Kiểm toán Nhà nước và các quy định của pháp luật; đảm bảo định hướng Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030, kế hoạch kiểm toán trung hạn 2023-2025; phù hợp với nguồn lực của Kiểm toán Nhà nước; cân đối giữa kế hoạch kiểm toán với kế hoạch công tác, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Kiểm toán Nhà nước và kế hoạch kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước.
Bên cạnh đó, dự phòng chủ động nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ được lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao; đảm bảo phục vụ các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tập trung kiểm toán những vấn đề nóng được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm; đảm bảo tránh trùng lặp, chồng chéo với các cơ quan thanh tra, kiểm tra và trong ngành kiểm toán; hạn chế tối đa ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan, địa phương, đơn vị được kiểm toán...
Về số lượng cuộc kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước xác định không tăng số nhiệm vụ so với kế hoạch năm 2023, đồng thời phải đảm bảo: Kiểm toán quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương tối thiểu đạt 90% số Bộ, cơ quan Trung ương; kiểm toán ngân sách địa phương và quyết toán ngân sách địa phương tối thiểu đạt 90% số địa phương; kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin tối thiểu đạt 27% tổng số nhiệm vụ của năm.
Về định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán trung và dài hạn 2024 - 2026, sẽ tăng hàng năm số lượng các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương, báo cáo quyết toán ngân sách địa phương và các cuộc kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin; cơ bản duy trì ổn định so với năm 2023 về số lượng các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương, dự án đầu tư, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính ngân hàng, an ninh, quốc phòng. Dự kiến tổng số cuộc kiểm toán hàng năm ổn định so với kế hoạch kiểm toán năm trước liền kề, chỉ tăng đối với các nhiệm vụ kiểm toán ưu tiên theo mục tiêu Chiến lược.
Trên cơ sở kế hoạch kiểm toán trung hạn 2023-2025 và định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán 2024, các đơn vị xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn 2024-2026 lựa chọn các chủ đề, nhiệm vụ kiểm toán phù hợp, trong đó lưu ý đối với lựa chọn chủ đề để tổ chức kiểm toán toàn ngành hoặc có nhiều đơn vị tham gia. Dự thảo kế hoạch cũng xác định một số cuộc kiểm toán thường xuyên hoặc định kỳ trong kế hoạch kiểm toán trung hạn 2024-2026 .
Các đơn vị đã thành lập phòng kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin lựa chọn tối thiểu hai chủ đề kiểm toán/năm để tổ chức thực hiện trong kế hoạch kiểm toán 2024 và xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn 2024-2026.
Các đơn vị căn cứ quy định về lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (Quyết định 02/2023/QĐ-KTNN ngày 9/2/2023) để tổ chức xây dựng dự kiến kế hoạch kiểm toán 2024 và dự kiến kế hoạch kiểm toán trung hạn 2024-2026, gửi Vụ Tổng hợp trước ngày 20/7/2023 để tổng hợp; gửi dự kiến danh mục chi tiết các đầu mối, đơn vị và dự án được kiểm toán của các cuộc kiểm toán thuộc kế hoạch kiểm toán 2024 trước ngày 20/9/2023.
Khi đề xuất số lượng cuộc kiểm toán, cũng như phương án tổ chức kiểm toán năm 2024, các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải đảm bảo yêu cầu: Một kiểm toán viên chỉ tham gia hai cuộc kiểm toán (không tính các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách tại các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương), trường hợp đặc biệt báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét quyết định.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, năm 2024, Kiểm toán Nhà nước sẽ không tăng số cuộc kiểm toán; các đơn vị cần tham mưu đề xuất các nhiệm vụ kiểm toán đảm bảo đúng, trúng theo định hướng về xây dựng kế hoạch kiểm toán của Ngành, đồng thời chủ động cân đối nguồn lực để tham gia, thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng kiểm toán.
Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu các đơn vị kiểm toán thống nhất nhận thức về định hướng, nguyên tắc trong tiếp cận chủ đề, nội dung kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước để xây dựng kế hoạch kiểm toán, đề xuất cuộc kiểm toán, trong đó bám sát những vấn đề được Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội quan tâm; bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao để đề xuất nội dung kiểm toán phù hợp, trong thẩm quyền và không tăng số cuộc kiểm toán so với năm 2023.
*Hoàn thành rà soát việc thực hiện kết luận, kiến nghị Kiểm toán Nhà nước
Hiện Kiểm toán Nhà nước đã dự thảo Báo cáo về việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với niên độ Ngân sách nhà nước năm 2021, 2020 và năm 2019 trở về trước được chuẩn bị theo yêu cầu của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội để chuẩn bị tài liệu phục vụ Phiên giải trình “Việc thực hiện kết luận, kiến nghị Kiểm toán Nhà nước đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021”.
Theo dự thảo báo cáo, tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán năm 2022 đối với niên độ ngân sách nhà nước năm 2021 (đến ngày 10/4/2023), cho thấy: Kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác 71.605 tỷ đồng; Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 260 văn bản pháp luật sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn. Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước phát hành 172 Báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân liên quan đến các tồn tại, hạn chế phát hiện qua hoạt động kiểm toán.
Tổng hợp các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước niên độ ngân sách nhà nước năm 2020, Kiểm toán Nhà nước đang theo dõi, đôn đốc gồm: Kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác 66.963,7 tỷ đồng; Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 198 văn bản pháp luật sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn. Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hành 95 báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân.
Tổng hợp các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước các niên độ ngân sách nhà nước 2019 trở về trước chưa thực hiện đến 31/12/2021, Kiểm toán Nhà nước đang theo dõi, đôn đốc gồm: Kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác 82.857,01 tỷ đồng; Kiến nghị kiểm toán về cơ chế chính sách của các niên độ ngân sách nhà nước năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước trở về trước chưa thực hiện đến 31/12/2021 là 375 kiến nghị; Kiểm toán về kiểm điểm trách nhiệm của các niên độ ngân sách nhà nước năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước trở về trước chưa thực hiện đến 31/12/2021 là 623 kiến nghị.
Qua theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 53/2022/QH15 ngày 15/6/2022 của Quốc hội cho thấy, về cơ bản, các đơn vị được kiểm toán đã nghiêm túc triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán; nhiều đơn vị chủ động tổ chức thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán trong quá trình kiểm toán hoặc ngay sau khi có kết luận và kiến nghị kiểm toán để kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý tài chính công, tài sản công, góp phần tăng thu, giảm chi cho ngân sách nhà nước và tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý tài chính, kế toán. Kết quả kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy, các kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác được thực hiện bình quân khoảng 75-80% cho năm liền kề năm kiểm toán và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo với tỷ lệ khoảng 15-20% số kiến nghị còn lại mỗi năm.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn yêu cầu các đơn vị tiếp tục tập trung rà soát, nhằm đảm bảo đến 30/6/2023 hoàn thành việc rà soát việc thực hiện kết luận, kiến nghị Kiểm toán Nhà nước đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021. Việc rà soát phải đảm bảo số liệu chính xác, tìm ra nguyên nhân và giải trình được sự khác nhau trong số liệu báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và các địa phương, đơn vị được kiểm toán; phân loại từng nhóm tồn tại, nguyên nhân, đề xuất giải pháp làm rõ trách nhiệm các bên liên quan đối với các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước chưa được thực hiện./.