Khoa học

Định hướng nghiên cứu, giảng dạy văn học ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Những đóng góp tại Hội thảo từ các chuyên gia, nhà khoa học góp phần chỉ ra những giới hạn, cơ hội, thách thức đối với việc nghiên cứu, giảng dạy văn học hiện nay.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại tiểu ban 1 (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

TTXVN - Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập (1953-2023), chiều 21/12, tại Hà Nội, Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo "Những vấn đề mới trong nghiên cứu và giảng dạy văn học từ tầm nhìn hiện đại". Đây là diễn đàn để nhiều thế hệ cán bộ đã và đang công tác tại Viện Văn học, các nhà nghiên cứu, giảng dạy văn học trong cả nước gặp gỡ, công bố và chia sẻ những thành quả nghiên cứu khoa học mới trong lĩnh vực này.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Tiến sỹ Trần Thiện Khanh, Phó Viện trưởng Viện Văn học cho biết, từ năm 1986 đến nay, rất nhiều lý thuyết văn học được giới thiệu, du nhập vào Việt Nam. Đây vừa là kết quả của sự đổi mới cơ chế tiếp nhận, đổi mới tư duy, vừa là tiền đề góp phần hình thành bộ khung tri thức mới, tầm nhìn mới về văn học, thúc đẩy việc tư duy lại nhiều vấn đề văn học; định hình về văn học, kiến tạo các giá trị văn học trước những cơ hội, thách thức của hiện tại và tương lai.

Hàng loạt vấn đề đặt ra như: Hoạt động sáng tác, nghiên cứu, giảng dạy, tiếp nhận văn học cần chuyển động như thế nào từ tầm nhìn hiện đại; Định hướng phát triển văn học ra sao từ tầm nhìn của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sư phạm; Nghiên cứu và giảng dạy văn học giờ đây hướng đến điều gì... Những đóng góp tại Hội thảo từ các chuyên gia, nhà khoa học góp phần chỉ ra những giới hạn, cơ hội, thách thức đối với việc nghiên cứu, giảng dạy văn học hiện nay; từ đó định hướng cho sự phát triển của hoạt động nghiên cứu, giảng dạy văn học thời gian tới từ nền tảng tri thức khoa học xã hội, nhân văn hiện đại.

Ghi nhận hoạt động nghiên cứu văn học trung đại tại Viện Văn học và Tạp chí Nghiên cứu Văn học (Tập san nghiên cứu văn học của Viện Văn học), Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Sơn, Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, nhờ nguyên tắc cơ bản đề cao tính học thuật mà Viện Văn học và Tạp chí Nghiên cứu Văn học vẫn có vị thế riêng trong đời sống nghiên cứu khoa học xã hội, có lý do tồn tại ngay cả trong bối cảnh cơ chế thị trường và sự phát triển mạnh mẽ của thời đại thông tin. Viện Văn học và Tạp chí Nghiên cứu Văn học đã giữ vững định hướng nghiên cứu văn học trung đại theo nguyên tắc hàn lâm, chuyên sâu; mở rộng các mối quan hệ học thuật trong nước, khu vực và quốc tế; chú trọng phát triển đội ngũ chuyên gia đào tạo cơ bản, nâng cao tính chuyên nghiệp về trình độ Hán - Nôm, lý luận, ngoại ngữ và năng lực nghiên cứu liên ngành…

Ban chủ tọa điều hành hội thảo (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Sơn đề xuất, thời gian tới, Viện Văn học và Tạp chí Nghiên cứu Văn học cần tiếp tục ưu tiên công bố các tiểu luận khoa học liên quan trực diện đến hướng nghiên cứu liên ngành, quan trọng, đặc thù, đặc trưng, "đặc sản" của văn học trung đại Việt Nam; đồng thời tác động trở lại đời sống học thuật tầm quốc gia, thực hiện tổng kết các đề tài, mở đường nghiên cứu theo phương pháp mới và tổ chức hội thảo khoa học liên ngành, liên cơ quan tầm quốc gia, quốc tế…Điều này không chỉ góp phần nâng cao vị thế hoạt động nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam mà còn trực tiếp giải quyết các nhiệm vụ học thuật ở tầm quốc gia và hướng tới quốc tế.

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà lý luận, phê bình văn học đã tập trung thảo luận về những thành tựu, kinh nghiệm và định hướng nghiên cứu văn học ở Việt Nam trong bối cảnh mới; mối quan hệ giữa nghiên cứu văn học ở Viện Hàn lâm với thực tiễn giảng dạy ở các trường đại học; chia sẻ kinh nghiệm đọc, dạy văn học của các quốc gia và việc vận dụng vào thực tiễn tại Việt Nam.../.

Xem thêm