Định hướng triển khai công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian tới
Việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện dẫn đến cần quy định lại trình tự, thủ tục, thẩm quyền đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Đó là chủ đề tọa đàm do Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức ngày 19/5, tại Hà Nội.
Phát biểu đề dẫn, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý Lê Vệ Quốc cho biết: Ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg). Sau hơn 3 năm thực hiện, việc tổ chức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được các địa phương triển khai đồng bộ, dần đi vào nền nếp. Năm 2022 có 10.073/10.743 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận, chiếm 93,8%. Năm 2023, có 10.188/10.671 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt 94,7%. Năm 2024, có 9.506/9.807 đơn vị, đạt 96,9%.
Tuy nhiên, trong quá trình hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và tiến hành rà soát, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý nhận thấy một số quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg còn bất cập, hạn chế, không phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay. Tiêu chí đánh giá, xếp loại chính quyền cấp xã có một số nội dung trùng lắp với tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, không có nội dung trái pháp luật; thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân, hòa giải ở cơ sở; thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.
Ông Lê Vệ Quốc nhấn mạnh, việc tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Bên cạnh việc điều chỉnh địa giới hành chính, thì việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện dẫn đến cần quy định lại trình tự, thủ tục, thẩm quyền đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Sau khi nghiên cứu các văn bản pháp luật liên quan và thực tế hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian qua, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý đề xuất 2 phương án định hướng về công tác này trong bối cảnh mới.
Phương án 1: Bãi bỏ Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP vì hầu hết các tiêu chí tiếp cận pháp luật đều đã được đánh giá bởi các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chính quyền cấp xã khác (Tiêu chí đánh giá, xếp loại chính quyền cấp xã hàng năm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành).
Phương án 2: Ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg trên cơ sở đánh giá thực trạng thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và rà soát các tiêu chí, các quy định pháp luật có liên quan đến đánh giá hoạt động chính quyền cấp cơ sở còn nhiều bất cập, trùng lắp, nặng về hình thức, thiếu thực chất và xét trong bối cảnh hiện nay Đảng, Nhà nước đang tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy (địa phương 2 cấp) theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu quả thì các tiêu chí đánh giá tiếp cận pháp luật của cấp xã không còn phù hợp.
Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên cho biết, thực tế cho thấy, việc áp dụng cùng lúc nhiều bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chính quyền cấp xã có nội dung trùng lắp, nhưng thời gian, cách thức tổ chức đánh giá không tương thích, không có sự kết nối dữ liệu, kế thừa kết quả đánh giá giữa các bộ tiêu chí gây ra lãng phí nguồn lực; chồng chéo về thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn; gây áp lực cho chính quyền cấp xã và các cơ quan tham gia vào quy trình đánh giá các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn. Thời gian tới, đề nghị Bộ Tư pháp xem xét nghiên cứu sửa đổi mốc đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho thống nhất với mốc thời gian đánh giá nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao vì thời điểm đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là từ ngày 01/01 đến 31/12 hằng năm còn mốc thời gian đánh giá nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao lại vào thời điểm tháng 9, gây khó khăn cho việc đánh giá.
Các ý kiến cho rằng, việc tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Bên cạnh việc điều chỉnh địa giới hành chính, thì việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện dẫn đến cần quy định lại trình tự, thủ tục, thẩm quyền đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Để giải quyết vấn đề này, các đại biểu đề nghị chuyển toàn bộ thẩm quyền của cấp huyện trong việc đánh giá kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật về cấp tỉnh và giữ nguyên thẩm quyền của cấp xã trong việc tự đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tuy nhiên cần quy định cụ thể về trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc phân công nhiệm vụ cho công chức phụ trách các tiêu chí phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng ngành tránh tình trạng đùn đẩy hết trách nhiệm cho công chức Hộ tịch -Tư pháp như thời gian qua.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về việc tiếp tục duy trì hay không cần thiết thực hiện công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trường hợp đề xuất tiếp tục thực hiện công tác này thì cần sửa đổi bộ tiêu chí và cơ chế đánh giá, công nhận theo hướng nào để khắc phục sự trùng lắp giữa các bộ tiêu chí đánh giá chính quyền cấp cơ sở; bảo đảm tính toàn diện, khách quan, thực chất; kết quả đánh giá, công nhận phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước cũng như bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật của người dân; dự kiến nguồn lực thực hiện và tính khả thi của phương án đề xuất…/.