Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi làm rõ thêm các vấn đề nguồn nhân lực, cơ chế của tỉnh ban hành thu hút đầu tư, hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng, xã hội hóa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp 4.0.
Ngày 27/6, Đoàn công tác do Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển làm Trưởng đoàn đã làm việc tại Quảng Ngãi về sơ kết thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 và Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2018 của Bộ Chính trị một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Phước Hiền cho biết, sau gần 6 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW (giai đoạn 2018 - 2023), tốc độ tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp bình quân của Quảng Ngãi đạt 8,5%/năm. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ chiếm 67% lao động toàn tỉnh. Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng tích cực.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh chiếm tỷ trọng rất cao (98%) trong cơ cấu ngành công nghiệp, là ngành giữ vai trò chủ lực, điểm sáng hiện nay trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Trong đó, ngành công nghiệp lọc hóa dầu chiếm 40% với hạt nhân là Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất; ngành luyện kim, sản xuất kim loại chiếm 25% với hạt nhân là Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Hiện trên địa bàn tỉnh thành lập 6 khu công nghiệp trong khu kinh tế Dung Quất và hai khu công nghiệp ngoài khu kinh tế với tổng diện tích hơn 2.000 ha. Đến nay, tỉnh thu hút 490 dự án công nghiệp còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư 393 nghìn tỷ đồng (trong đó có 65 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD). Trong đó, có nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn đã và đang triển khai thực hiện trong thời gian tới, mang tính lan tỏa như: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa phát Dung Quất 2, hai dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, III, dự án Bến cảng tổng hợp-Container Hòa Phát Dung Quất.
Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1456/QĐ-TTg ngày 22/11/2023 Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; theo đó, không gian công nghiệp tỉnh được phân bố gắn liền với các phương án phát triển khu kinh tế Dung Quất. Theo quy hoạch, vùng động lực công nghiệp của tỉnh gồm: Huyện Bình Sơn và một phần huyện Trà Bồng, một phần huyện Sơn Tịnh. Quảng Ngãi ưu tiên thu hút đầu tư vào cảng biển khu công nghiệp, cụm công nghiệp với các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, luyện thép, chế tạo sau thép, năng lượng tái tạo.
Đối với Nghị quyết 52-NQ/TW, sau hơn 5 năm thực hiện, tỉnh Quảng Ngãi đạt một số kết quả tích cực trên các lĩnh vực như: Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã lan tỏa, nhiều sản phẩm mới được hình thành. Các doanh nghiệp chú trọng hơn trong công tác đầu tư chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, hoạt động nghiên cứu ứng dụng đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp thực sự là trung tâm của đổi mới sáng tạo. Hạ tầng số của tỉnh cơ bản đầu tư đồng bộ, Internet băng thông rộng phủ 100% các xã, cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi số trong cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đến nay, 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã thực hiện ứng dụng chứng thư số, chữ ký số; hơn 66,4% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; 72.35% doanh nghiệp tham gia Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, 100% doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử; tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đạt hơn 35%... Giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đạt 5,55%.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi làm rõ thêm các vấn đề nguồn nhân lực, cơ chế của tỉnh ban hành thu hút đầu tư, hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng, xã hội hóa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp 4.0; chính sách thu hút công nghệ ưu tiên như điện tử viễn thông, chế biến chế tạo thông minh, hạ tầng xã hội...
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân khẳng định, Nghị quyết số 52-NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị là hai nghị quyết cần thiết và quan trọng, đề cập đến các lĩnh vực có ý nghĩa hàng đầu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết, tỉnh Quảng Ngãi đã nghiêm túc triển khai kịp thời, bài bản và đạt nhiều kết quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, trong quy hoạch tỉnh giai đoạn mới, Quảng Ngãi ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh khá ở khu vực miền Trung, đến năm 2030 là tỉnh khá của cả nước. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đề xuất Trung ương có cơ chế hỗ trợ lại nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu để Quảng Ngãi đầu tư hạ tầng cho Khu kinh tế Dung Quất; hỗ trợ tỉnh trong thực hiện các nội dung Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các hoạt động chuyển đổi số.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao công tác triển khai cũng như những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện hai Nghị quyết trên của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh, đồng thời chia sẻ những vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, những nội dung báo cáo và ý kiến trao đổi tại buổi làm việc, Tổ biên tập của Ban sẽ tiếp thu, làm cơ sở để Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện báo cáo đề án sơ kết Nghị quyết số 23-NQ/TW và Nghị quyết số 52-NQ/TW trình Bộ Chính trị.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đề nghị Quảng Ngãi phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các đơn vị liên quan thực hiện các cơ chế để sớm đưa Khu kinh tế Dung Quất trở thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia; tiếp tục có cơ chế quan tâm hỗ trợ các dự án lớn làm nền tảng đang thực hiện tại tỉnh như Hòa Phát, Lọc dầu...
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương đã đi khảo sát việc thi công Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 và Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn. Đoàn đã lắng nghe những kiến nghị của doanh nghiệp về vướng mắc trong cơ chế, chính sách, định hướng phát triển của doanh nghiệp. Qua đó Đoàn công tác sẽ có báo cáo sau khảo sát để Trung ương có giải pháp sớm tháo gỡ./.