Đoàn công tác của Bộ Tư pháp làm việc tại Bình Thuận về công tác tư pháp và thi hành án dân sự
Tỉnh Bình Thuận cần chỉ đạo tăng cường công tác pháp chế tại các sở, ngành, địa phương… để công tác tham mưu văn bản ngày càng tốt và chất lượng hơn.
TTXVN - Chiều 11/5, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Lê Thành Long làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Bình Thuận về công tác tư pháp và thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Sở Tư pháp tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương giải quyết kịp thời các nhiệm vụ được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh giao; bám sát cơ sở, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vướng mắc, tháo gỡ khó khăn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác tư pháp tại các địa phương. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các cấp được thực hiện ngày càng nền nếp, tuân thủ trình tự, thủ tục luật định. Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh ngày càng được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương.
Về kết quả thực hiện công tác tư pháp từ năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, đặc biệt là công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, Sở đã ban hành 66 văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định 74 hồ sơ, góp ý 82 hồ sơ; rà soát 469 văn bản… Qua rà soát, Sở đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét bãi bỏ 9 quyết định quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cho ý kiến bãi bỏ 3 nghị quyết quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành...
Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc theo quy định; các báo cáo thẩm định ngày càng có chất lượng và thể hiện rõ quan điểm của cơ quan thẩm định, được các cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá cao và tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc; qua đó góp phần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương.
Đối với công tác thi hành án dân sự, trong năm qua, khối lượng công việc của ngành tư pháp và thi hành án dân sự ngày càng tăng thêm với yêu cầu cao về chất lượng, tiến độ. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt khó khăn, công tác thi hành án dân sự đã phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch công tác đề ra, chất lượng không ngừng được nâng lên, đóng góp tích cực vào thành tích chung của tỉnh. Trong năm 2022, tổng số giải quyết là 16.613 việc, trong đó số việc cũ chuyển sang 6.707 vụ việc; số thụ lý mới là 9.906 việc, giảm 138 việc (giảm 1,39% so với năm 2021).
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tư pháp và thi hành án dân sự địa phương trong thời gian tới, Thường trực Tỉnh ủy kiến nghị Bộ Tư pháp một số nội dung: Sớm xây dựng phần mềm và kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính, cơ sở dữ liệu trợ giúp pháp lý, cơ sở dữ liệu về các tổ chức hành nghề công chứng, con nuôi trong năm 2023 cho các địa phương để thuận lợi trong việc tra cứu, giải quyết hồ sơ; đề xuất sửa đổi Luật Công chứng theo hướng khuyến khích thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân tại địa bàn miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa để khuyến khích việc thành lập Văn phòng công chứng đáp ứng giải quyết kịp thời nhu cầu giao dịch dân sự của người dân tại các khu vực này…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, những kết quả đạt được thời gian qua của ngành tư pháp và thi hành án dân sự, góp phần vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Mặc dù còn nhiều bất cập trong công tác thi hành án và công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh, nhưng cán bộ, công chức, viên chức đã cố gắng vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp mong muốn trong thời gian tới, Sở Tư pháp tăng cường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành hoàn thiện tốt công tác thực hiện quy trình thủ tục hồ sơ, thời hạn ban hành văn bản… để thực hiện đúng theo quy định.
Tỉnh Bình Thuận cần có chỉ đạo tăng cường công tác pháp chế tại các sở, ngành, địa phương… để công tác tham mưu văn bản ngày càng tốt và chất lượng hơn; chỉ đạo Sở Tư pháp tăng cường áp dụng chuyển đổi số, nhất là trong công tác hộ tịch và các vấn đề liên quan.
Đối với công tác thi hành án, Bộ trưởng yêu cầu ngành thi hành án cần đẩy nhanh giải quyết các vụ việc thi hành án, nhất là những vụ việc thi hành án lớn, thu hồi tài sản nhiều.
Đoàn công tác ghi nhận các kiến nghị của tỉnh Bình Thuận và sẽ tổng hợp trình Trung ương xem xét, giải quyết, tháo gỡ khó khăn./.