Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42: Việt Nam cùng xây dựng bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN
Thông qua các hoạt động, Thủ tướng thể hiện nỗ lực, mong muốn của Việt Nam cùng các nước xây dựng bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN và làm sâu sắc thêm quan hệ Việt Nam với các nước ASEAN.
TTXVN - Theo đặc phái viên TTXVN, chuyến công tác tới Indonesia tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42 từ ngày 9-11/5 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp.
Trong khoảng 48 tiếng tại Labuan Bajo – địa danh du lịch trên đảo Flores của Indonesia, Thủ tướng Phạm Minh Chính có gần 20 hoạt động đa phương, song phương. Thông qua các hoạt động, Thủ tướng thể hiện nỗ lực, mong muốn của Việt Nam cùng các nước xây dựng bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN và làm sâu sắc thêm quan hệ Việt Nam với các nước ASEAN.
Với chủ đề của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 là: Hướng đến “Một ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của Tăng trưởng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước đã thảo luận, thông qua các thành tố chính của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, phác thảo tương lai của cộng đồng trong 20 năm tới, với mục tiêu, khát vọng phát triển mạnh mẽ hơn, xứng tầm ASEAN.
Lãnh đạo các nước ASEAN thông qua 10 văn kiện định hướng hợp tác ASEAN trong nhiều lĩnh vực, trong đó đáng chú ý có Tuyên bố chung hướng đến Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, phát triển hệ sinh thái xe điện ở khu vực, Sáng kiến Một sức khỏe ASEAN, thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực và tăng cường giao dịch bằng đồng bản tệ…
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu ra ba vấn đề cốt lõi quyết định bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN, đó là giữ vững độc lập, tự chủ chiến lược, vươn mình bứt phá thành tâm điểm của tăng trưởng và thích ứng ngày càng tốt hơn trước những biến động bên ngoài.
Thủ tướng đề xuất nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN; triển khai đồng bộ và quyết liệt các dự án kết nối khu vực; tăng cường hợp tác kinh tế số, chính phủ số, kinh tế tuần hoàn; thu hẹp khoảng cách phát triển, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, các tiểu vùng.
Để hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng, Thủ tướng đề nghị các thành viên ASEAN chung tay khơi dậy ý chí tự cường, đoàn kết, khơi thông các nguồn lực phát triển và khởi tạo các ý tưởng đột phá cho xây dựng cộng đồng, giúp ASEAN bứt phá trở thành tâm điểm tăng trưởng của khu vực và toàn cầu.
Cho rằng ASEAN vừa là tâm điểm của hàng loạt sáng kiến liên kết và kết nối khu vực, đồng thời cũng là trọng điểm trong cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đặt ra cho ASEAN là thích ứng năng động và tăng cường sức mạnh tự thân để khẳng định giá trị chiến lược; giữ vững lập trường nguyên tắc trong các vấn đề liên quan trực tiếp đến môi trường an ninh phát triển nêu trong các văn kiện nền tảng, đặc biệt là giương cao ngọn cờ thượng tôn luật pháp quốc tế…
Thủ tướng Chính phủ khẳng định lại điều quan trọng nhất là các nước thành viên ASEAN cần đoàn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm, tinh thần tập thể vì mục tiêu chung, hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích của hiệp hội; tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, trong đó bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm của tất cả các nước.
Những đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận được sự quan tâm, ủng hộ và đánh giá cao của các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự hội nghị.
Trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ tham gia các Phiên đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN với đại diện Đại Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Thanh niên ASEAN, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC) và Nhóm Đặc trách Cao cấp (HLTF) về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.
Trên tinh thần cởi mở, chân thành và thực chất, với các đại diện AIPA, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ba định hướng tăng cường hiệu quả phối hợp giữa lập pháp và hành pháp; với thanh niên, Thủ tướng đề nghị đưa Cộng đồng ASEAN thành “cộng đồng học tập” nhằm phát triển kỹ năng cho thanh niên ASEAN và “cộng đồng sáng tạo” để ASEAN là vườn ươm khởi nghiệp giúp thanh niên phát huy sức sáng tạo; với ABAC, Thủ tướng nêu định hướng “Ba cùng”, đó là cùng hoàn thiện thể chế, cùng phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược và cùng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng yêu cầu Nhóm Đặc trách Cao cấp bám sát “ba đột phá” là đột phá trong kết nối, trong thúc đẩy tăng trưởng và trong phát triển con người, để vạch ra những đường hướng chiến lược cho ASEAN phát triển tới năm 2045.
Cùng với các hoạt động đa phương, nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính có các cuộc gặp song phương lãnh đạo 8 nước gồm: Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah; Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long; Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim; Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.; Thủ tướng Timor Leste Taur Matan Ruak.
Tại các cuộc tiếp xúc, cùng với điểm lại kết quả hợp tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước thảo luận việc thực hiện các thỏa thuận, cam kết và các biện pháp tăng cường hợp tác, với các nội dung cụ thể, thực chất như việc tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy triển khai các dự án trọng điểm tại Lào; thúc đẩy thương mại biên giới, hợp tác phát triển kinh tế khu vực giáp biên với Campuchia; triển khai hiệu quả quan hệ Đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh với Singapore; tăng cường hợp tác biển, lập cơ chế tham vấn và quản lý về biển với Indonesia, Malaysia…
Việc tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 và các hoạt động liên quan của Thủ tướng khẳng định Việt Nam đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm, góp phần củng cố đoàn kết ASEAN, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra; thể hiện ưu tiên của Việt Nam về kết nối hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, an ninh lương thực, năng lượng, phát triển tiểu vùng và ứng phó với biến đổi khí hậu; khẳng định vai trò, hình ảnh và uy tín của ASEAN, qua đó đóng góp cho công cuộc xây dựng Cộng đồng ASEAN; giữ vững lập trường nguyên tắc của ASEAN về các vấn đề quốc tế và khu vực.
Việc tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 và các hoạt động liên quan của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam góp phần triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng về “tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế” và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về “đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”. Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế./.