Những ngôi nhà đá ong không chỉ là những công trình kiến trúc đơn thuần mà còn là những trang sử sống động, ghi dấu bao đổi thay của vùng đất và con người nơi đây.
Ẩn mình trong những làng quê yên bình của Quảng Ngãi, có những ngôi nhà được xây dựng từ đá ong độc đáo tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Trải qua bao thăng trầm, những nếp nhà này không chỉ mang đậm dấu ấn kiến trúc xưa mà còn chứa đựng cả những câu chuyện về đời sống, văn hóa của người dân nơi đây. Tuy nhiên, trước sự thay đổi của nhịp sống hiện đại, số lượng những ngôi nhà đá ong nguyên vẹn ngày càng ít.
Trong số những ngôi nhà đá ong còn sót lại, nổi bật nhất là ngôi nhà cấp 4 cổ kính, với tổng diện tích khoảng 150m2 của ông Nguyễn Ngọc Thanh (69 tuổi). Được xây dựng cách đây hơn 100 năm, ngôi nhà hiện vẫn còn nguyên vẹn nét đẹp mộc mạc, cổ kính. Những bức tường đá ong sẫm màu nhưng vững chãi, mái ngói rêu phong như kể lại câu chuyện của cả một thế kỷ.
Theo ông Thanh, ngôi nhà do cha mẹ ông xây dựng. Dù hiện nay, công trình đã “lỗi thời”, nhưng gắn với bao kỷ niệm thời thơ ấu, bao cảm giác về tự nhiên quanh ông. “Đã nhiều lần các con muốn vợ chồng tôi phá dỡ ngôi nhà này để xây lại nhà mới hiện đại hơn. Nhưng vì lưu luyến ngôi nhà đã gắn bó một thời gian khó, đồng thời muốn giữ lại những kỷ niệm thời thơ ấu nên tôi vẫn trân trọng giữ lại ngôi nhà đá ong này như một chốn linh thiêng để thờ cúng tổ tiên”, ông Thanh cho hay.
Cách nhà ông Thanh không xa là ngôi nhà của ông Ngô A (77 tuổi). Ngôi nhà không còn nguyên vẹn như xưa do nhà chính đã được gia đình phá dỡ để xây dựng nhà mới rộng rãi hơn, chỉ còn lại căn nhà nhỏ gần 20m2, ông Ngô A quyết tâm giữ lại như một kỷ niệm về mái ấm gia đình, về những giá trị truyền thống.
Ông A cho biết, ngày xưa để làm được ngôi nhà bằng đá ong, bố ông và nhiều người khác phải cùng nhau đi tìm đá suốt mấy tháng. “Bố mẹ tôi từng kể, hồi đó chủ yếu là nhà tranh vách đất, nên không vững chãi. Do đó, bà con cùng nhau khai thác đá ong để dựng nhà. Nhà xây bằng đá ong kiên cố không thua các loại vật liệu hiện đại ngày nay mà còn mang một vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên”, ông A nói.
Đi dọc những con đường làng thôn Vạn Tường và thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải không khó để bắt gặp những dấu tích của kiến trúc đá ong. Đó có thể là một đoạn hàng rào rêu phong, một bức tường loang lổ vết thời gian, giếng nước cổ kính được xây từ những viên đá ong với đủ kích cỡ khác nhau. Sự đa dạng trong kích thước và cách sắp xếp của những viên đá ong càng làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên và độc đáo cho những công trình này.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Hải Ngô Văn Thính cho rằng, địa phương mong muốn lưu giữ và phát triển du lịch dựa trên những nét độc đáo của những ngôi nhà đá ong. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ đây là tài sản riêng của người dân, chính quyền địa phương không thể cấm người dân phá bỏ.
“Giải pháp hiện nay là tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức về giá trị lịch sử, văn hóa của những ngôi nhà đá ong và khuyến khích họ giữ gìn những gì còn lại. Tuy nhiên, do những công trình này đã xuống cấp, nên nhiều gia đình phải phá bỏ hoặc gia cố thêm. Địa phương mong muốn các cơ quan chức năng có những công trình nghiên cứu, giải pháp bảo tồn, phát triển các công trình được xây dựng từ đá ong này”, ông Thính bày tỏ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, từ xa xưa, người Việt đã biết tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên đá ong để xây dựng nhà cửa, tường rào cũng như các công trình kiến trúc khác. Việc khai thác đá ong thường được thực hiện thủ công. Những khối đá ong sau khi được đào lên sẽ được gọt đẽo, tạo hình thành các phiến đá có kích thước và hình dáng khác nhau, phù hợp với mục đích xây dựng.
“Tại Quảng Ngãi ngày xưa có nhiều địa phương có công trình xây dựng từ đá ong như xã Bình Hải, Bình Châu (huyện Bình Sơn); xã Hành Thuận (Nghĩa Hành);... Nhưng đến nay số lượng những ngôi nhà đá ong còn nguyên vẹn không nhiều. Một phần do những công trình này đã xuống cấp, một phần do sự thay đổi trong nhu cầu sống, sự xuất hiện của những vật liệu xây dựng hiện đại đã khiến nhiều gia đình quyết định phá bỏ những ngôi nhà cũ để xây dựng những ngôi nhà mới tiện nghi hơn. Những ngôi nhà đá ong không chỉ là những công trình kiến trúc đơn thuần mà còn là những trang sử sống động, ghi dấu bao đổi thay của vùng đất và con người nơi đây. Nếu chúng ta biết gìn giữ, phát huy thì nhiều công trình xây dựng bằng đá ong chắc chắn sẽ tạo ra được nhiều giá trị về du lịch, văn hóa”, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ chia sẻ./.
- Từ khóa:
- Quảng Ngãi
- Độc đáo
- ngôi nhà đá ong