Các đại biểu trao đổi về công tác đào tạo; cơ chế chính sách để thực hiện học tập suốt đời; đồng thời chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả tại cơ sở…
Ngày 13/9, Đoàn công tác liên ngành về sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW, ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Trong 5 năm qua, các cấp Công đoàn đã tổ chức 789.498 cuộc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến 71.019.385 lượt đoàn viên, người lao động; tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp đến 21.596.529 lượt công nhân lao động.
Công đoàn đã đối thoại, thương lượng để người sử dụng lao động tạo điều kiện cho công nhân lao động được học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, đưa vào Thỏa ước lao động tập thể với khoảng 15.418 doanh nghiệp (đã có tổ chức Công đoàn) thực hiện; tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài hỗ trợ công nhân và con công nhân nghèo hiếu học, với khoảng 6.489 doanh nghiệp (đã có tổ chức Công đoàn) thực hiện.
Tại buổi làm việc, các đại biểu trao đổi về công tác đào tạo trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn; kết quả thực hiện Kết luận số 49-KL/TW gắn với triển khai Quyết định 1268/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động học tập suốt đời; cơ chế chính sách để thực hiện học tập suốt đời; đồng thời chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả tại cơ sở…
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Tổng Liên đoàn ý thức rất nghiêm túc việc triển khai Kết luận, tuy nhiên chất lượng của công nhân lao động nói chung vẫn chưa được như mong muốn. Trong đó, về nguyên nhân chủ quan, một bộ phận công nhân lao động chưa có ý thức cao với việc tự học, bằng lòng với bằng cấp, trình độ, công việc, thu nhập hiện tại.
Về nguyên nhân khách quan, có nơi tổ chức Công đoàn chưa coi việc thúc đẩy học tập của công nhân lao động là việc quan trọng, để từ đó giúp người lao động giữ vững nghề nghiệp, có thu nhập cao. Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam không muốn công nhân lao động nâng cao trình độ hơn hiện tại vì liên quan đến thu nhập - phải trả cao hơn cho người lao động nếu họ có bằng cấp cao hơn, hoặc nếu có bằng cấp cao hơn, người lao động sẽ chuyển đi nơi khác làm.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong việc triển khai công tác khuyến học, khuyến tài, thực hiện Kết luận của các cấp Công đoàn trong 5 năm qua. Cùng đó, chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn tiếp tục được nâng cao; chương trình đào tạo ngày càng đa dạng, phục vụ tốt hơn cho người lao động.
Thời gian tới, tổ chức Công đoàn các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; tăng cường phối hợp giữa Công đoàn với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, sát với nhu cầu thực tế của người lao động và thị trường lao động. Các tổ chức Công đoàn hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động, đặc biệt là chính sách tài chính, hỗ trợ thời gian học tập; đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực để người lao động có cơ hội học tập và phát triển, giúp nâng cao năng lực của công nhân, lao động, góp phần thúc đẩy và nâng cao năng suất lao động; đổi mới, đa dạng hóa hình thức học tập, ứng dụng chuyển đổi số…/.