Đổi mới, sáng tạo trong triển khai hoạt động đối ngoại thích ứng với môi trường quốc tế nhiều biến động
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Ban Đối ngoại Trung ương tập tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội XIII và các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị và Ban Bí thư liên quan tới công tác đối ngoại, cụ thể hóa thành các đề án, chương trình, kế hoạch phù hợp với thực tế.
TTXVN - Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong hoạch định chính sách và triển khai các nhiệm vụ đối ngoại có sự phân công, phân nhiệm phù hợp, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, bảo đảm tính tổng thể chiến lược và gắn kết giữa ba trụ cột: đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân; có tư duy đổi mới, sáng tạo trong triển khai hoạt động đối ngoại thích ứng với môi trường quốc tế nhiều biến động; không ngừng nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của các hoạt động đối ngoại.
Đây là yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 của Ban Đối ngoại Trung ương, diễn ra sáng 13/1, tại Hà Nội.
Điểm sáng công tác đối ngoại
Dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, bối cảnh quốc tế hiện nay rất phức tạp, song, trên nền tảng vững chắc của cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã triển khai mạnh mẽ, toàn diện việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đạt những kết quả rất quan trọng, khá toàn diện. Trong những thành tựu đó, kết quả công tác đối ngoại là một điểm sáng, nỗ lực thực hiện vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Đảng và đất nước.
Công tác đối ngoại đã bám sát đường lối đối ngoại của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII và những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc tháng 12/2021; phát huy đồng bộ, toàn diện cả ba trụ cột đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đặc biệt, các hoạt động đối ngoại của Tổng Bí thư và của các lãnh đạo cấp cao đạt nhiều kết quả có ý nghĩa rất quan trọng, lâu dài trong việc thúc đẩy cục diện quan hệ đối ngoại ổn định, gia tăng tin cậy chính trị, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy chiều sâu, toàn diện các mối quan hệ giữa nước ta với các nước.
Biểu dương những thành tựu, kết quả đạt được trong năm 2022 của Ban Đối ngoại Trung ương, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, những kết quả đạt được góp phần rất quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu đối ngoại và đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là những chuyển biến tích cực trong công tác tham mưu chiến lược của Ban với nhiều sản phẩm có chất lượng. Ban Đối ngoại Trung ương đã chủ động, tích cực và nhạy bén trong việc theo dõi, nghiên cứu và đề xuất liên quan đến tình hình quốc tế, những diễn biến, sự kiện lớn, có nhiều tác động đến Việt Nam; có nhiều đóng góp tích cực vào việc nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại nói chung. Ban đã nỗ lực đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và xây dựng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thời gian tới, tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội và thách thức, thuận lợi và khó khăn đan xen, nhiệm vụ đặt ra cho công tác đối ngoại là rất lớn. Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Ban Đối ngoại Trung ương tập tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội XIII và các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị và Ban Bí thư liên quan tới công tác đối ngoại, cụ thể hóa thành các đề án, chương trình, kế hoạch phù hợp với thực tế.
Ban Đối ngoại Trung ương chú trọng công tác tham mưu chiến lược, thúc đẩy quan hệ với các nước tiếp tục đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất, bền vững lâu dài. Cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu sát tình hình, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ; chủ động, kịp thời tham mưu các giải pháp thích hợp, xử lý tốt các thách thức đối ngoại.
Thường trực Ban Bí thư đề nghị, cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về những thuận lợi, thách thức, vận dụng nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại; "luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ"; độc lập tự chủ, tự lực tự cường phải gắn với đoàn kết và hợp tác quốc tế. Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc (tháng 12/2021) về trường phái đối ngoại độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển".
Cùng với đó, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu mở rộng, tăng cường quan hệ đối ngoại đảng có trọng tâm, trọng điểm, với lộ trình phù hợp, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; phát huy mạnh mẽ vị trí, vai trò của đối ngoại nhân dân, củng cố nền tảng hữu nghị với nhân dân các nước. Tiếp tục góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, tranh thủ sự đoàn kết và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao uy tín quốc tế, vị thế của Đảng và đất nước, tạo thuận lợi cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đề ra tại Đại hội XIII của Đảng.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tin tưởng, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động của Ban Đối ngoại Trung ương sẽ không ngừng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao, phát huy truyền thống vẻ vang "tận tụy, cẩn trọng; sáng tạo, chuyên nghiệp", góp phần nỗ lực xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Nhiều mảng công tác có bước chuyển quan trọng
Báo cáo tại Hội nghị, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhấn mạnh, tình hình thế giới, khu vực năm 2022 tiếp tục diễn biến nhanh, rất phức tạp, tác động mạnh, sâu sắc đến cục diện an ninh - chính trị, kinh tế quốc tế, trong đó cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt. Các cuộc chiến tranh, xung đột khu vực và điểm nóng gia tăng; kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức mới, các thách thức an ninh phi truyền thống gia tăng, đặt ra cho đất nước nhiều thách thức cần xử lý.
Ban Đối ngoại Trung ương với chức năng là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực đối ngoại; tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại của Đảng; giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại nhân dân và quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trong hệ thống cơ quan đảng, đoàn thể, tổ chức nhân dân. Ban Đối ngoại Trung ương đã tích cực, chủ động, nỗ lực hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ với nhiều nội dung có tính đột phá mới, nhiều mảng công tác có bước chuyển quan trọng.
Công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược được đẩy mạnh, góp phần giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả công tác đối ngoại. Chất lượng công tác tham mưu, thẩm định ngày càng được nâng cao. Hoạt động đối ngoại Đảng, đặc biệt là hoạt động đối ngoại cấp cao được triển khai chủ động, sáng tạo, góp phần quan trọng củng cố nền tảng chính trị, định hướng tổng thể trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò, uy tín của Đảng ta.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động đối ngoại nhân dân được tăng cường, tạo nền tảng xã hội tích cực, thuận lợi cho quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại được thực hiện hiệu quả, góp phần tạo sự hiểu biết sâu sắc, đầy đủ hơn, gia tăng sự ủng hộ của các chính đảng và bạn bè quốc tế đối với ta. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại được triển khai đồng bộ, quyết liệt, ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả, thiết thực.
Tại Hội nghị, các ý kiến đánh giá cao kết quả công tác của Ban Đối ngoại Trung ương và chất lượng công tác phối hợp với Ban; đồng thời đề xuất nhiều biện pháp thiết thực nhằm tiếp tục tăng cường hợp tác, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong năm 2023 và những năm tiếp theo./.