Xã hội

Đổi mới tư duy, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ninh Bình

Tỉnh Ninh Bình quan tâm bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho thanh niên người dân tộc thiểu số; chú trọng xây dựng, vun đắp khối đại đoàn kết các dân tộc…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh (phải) tặng hoa chúc mừng Đại hội. 
Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Ngày 18/10, tỉnh Ninh Bình tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ IV, năm 2024 với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Dự và chỉ đạo Đại hội có các Ủy viên Trung ương Đảng: Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; cùng dự có 145 đại biểu đại diện cho trên 30.000 đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh.

Tại Đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận, đánh giá cao các kết quả mà tỉnh Ninh Bình đã đạt được, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của đồng bào các dân tộc thiểu số đã chung sức, đồng lòng phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp sức cùng nhân dân cả nước trong công cuộc đổi mới, phát triển và bảo vệ đất nước hiện nay.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu chỉ đạo Đại hội. 
Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình tiếp tục khẳng định mạnh mẽ những thành tựu, có nhiều đổi mới sáng tạo để xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cho giai đoạn 2024 - 2029, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng và đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030 để tập trung triển khai thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đặc biệt lưu ý, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Ninh Bình cần tập trung nghiên cứu, nâng cao nhận thức sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc; đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, đề xuất những giải pháp đột phá, trọng tâm, trọng điểm để thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 tại tỉnh. Đồng thời, chú trọng công tác bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, nhất là các địa bàn vùng núi, ven biển; tạo sự đồng thuận, xây dựng thôn, bản đoàn kết, bình yên và phát triển. Tỉnh quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; phát huy và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo, dạy nghề cho thanh niên người dân tộc thiểu số; chú trọng xây dựng, vun đắp khối đại đoàn kết các dân tộc…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn phát biểu chỉ đạo Đại hội. 
Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn tin tưởng trong thời gian tới, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần “Bình đẳng, đoàn kết, dân chủ”, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, vượt qua khó khăn, thách thức; quyết tâm phấn đấu đạt những thành tựu cao hơn nữa; hiện thực hóa khát vọng đưa Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo...

Hiện tại tỉnh Ninh Bình có trên 30.000 người dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là người Mường (chiếm 96,7%); có 59 thôn của 5 xã đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn; tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến hết năm 2023 là 2,95%, hộ cận nghèo khoảng 3,58%; thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 60 triệu đồng/năm. Ninh Bình đặc biệt chú trọng phát huy bản sắc văn hóa, đầu tư vào giáo dục, y tế, kết hợp với huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng dân tộc thiểu số, từ đó tạo môi trường sống tốt đẹp...

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp dân tộc Việt Nam được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình. 
Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Tại Đại hội, các đại biểu đã thông qua Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình lần thứ IV. Trong đó, trọng tâm phấn đấu có 80% số hộ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa; 100% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân; xóa tình trạng nhà ở đơn sơ, nhà thiếu kiên cố; 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đáp ứng mức đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2026 - 2030; trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế; 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng, có đội văn hóa văn nghệ (hoặc câu lạc bộ) truyền thống để bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp phát triển các dân tộc Việt Nam đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình và được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển của các dân tộc./.

Ninh Đức Phương

Tin liên quan

Xem thêm