Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Ninh Bình (thuộc Sở Tư pháp) đã tổ chức 9 buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý trên địa bàn các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của huyện Nho Quan, với 900 người tham gia.
Với chức năng trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách, những năm qua, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
* "Giảm nghèo" kiến thức pháp luật cho người dân vùng khó khăn
Từ đầu năm đến nay, với phương châm hướng về cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các hoạt động trợ giúp pháp lý và giảm thời gian, chi phí đi lại, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Ninh Bình (thuộc Sở Tư pháp) đã tổ chức 9 buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý trên địa bàn các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của huyện Nho Quan, với 900 người tham gia. Đây là những nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Bà Nguyễn Thị Mừng, dân tộc Mường, huyện Nho Quan chia sẻ, gia đình bà đông con, vợ chồng bà có ý định chia đất cho các con nhưng chưa biết phải làm những thủ tục gì. Được các cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Ninh Bình về tận thôn, bản để tư vấn, vợ chồng bà đã thực hiện các thủ tục theo đúng pháp luật.
Theo anh Vũ Ngọc Hùng, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Ninh Bình, đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, việc tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý ở cơ sở còn hạn chế; giao thông đi lại không thuận lợi, trình độ nhận thức không đồng đều, đời sống còn nhiều khó khăn... Các thiết chế hỗ trợ, giúp đỡ người dân tiếp cận pháp luật ở cơ sở phát triển chậm, chất lượng không đồng đều, cơ chế phổ biến, thông tin, hỗ trợ giải quyết vướng mắc pháp luật cho người dân tại cơ sở chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Một số nơi người dân chưa biết chữ, chưa thạo tiếng phổ thông, nhận thức pháp luật còn rất hạn chế, tình trạng vi phạm pháp luật còn xảy ra nhiều trong các lĩnh vực như: đất đai, lâm nghiệp, hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình... Bên cạnh đó, người dân còn thiếu thông tin về pháp luật, nhiều người chưa biết về quyền được trợ giúp pháp lý của mình hoặc còn có tâm lý e ngại khi tiếp cận với trợ giúp pháp lý.
Theo anh Vũ Ngọc Hùng, lãnh đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã cử cán bộ, chuyên viên pháp lý, trợ giúp viên pháp lý trực tiếp xuống cơ sở nắm bắt nhu cầu tìm hiểu pháp luật cũng như những vướng mắc pháp luật của nhân dân, tổ chức các đợt lưu động tuyên truyền và trợ giúp pháp lý cho người dân vùng sâu, vùng xa. Qua đó, phát huy tác dụng tích cực, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, giúp họ tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, giải tỏa những mâu thuẫn, vướng mắc pháp luật trong cộng đồng, góp phần thực hiện và phát huy dân chủ; tuyên truyền, vận động nhân dân tìm hiểu, học tập và tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Năm 2023, Trung tâm đã tổ chức 18 hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý trên địa bàn các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi huyện Nho Quan, với gần 2.000 người tham gia; cấp phát 8.000 tờ gấp pháp luật; 4.500 cẩm nang về trợ giúp pháp lý cho người dân tại các xã, thôn được thụ hưởng chương trình.
* Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý
Nhận thức rõ nguồn nhân lực giữ vai trò nòng cốt cho sự phát triển công tác trợ giúp pháp lý, cung cấp hiệu quả, chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý nên việc đào tạo và kiện toàn đội ngũ người thực hiện trợ giúp luôn được quan tâm. Trong năm 2023, Trung tâm đã tổ chức 10 lớp tập huấn, bồi dưỡng điểm về kỹ năng, kiến thức trợ giúp pháp lý cho 160 cán bộ; tập huấn, bồi dưỡng cho 810 hòa giải viên, trưởng thôn, trưởng bản, cán bộ chi hội đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng trên địa bàn huyện Nho Quan. Các lớp tập huấn được tổ chức đã nâng cao kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch và hòa giải viên ở xã, phường, thị trấn.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Ninh Bình hiện có 4 luật sư ký hợp đồng, trợ giúp viên pháp lý đều đã qua đào tạo nghề luật sư, 3 chuyên viên đã hoàn thành tập sự trợ giúp pháp lý, 2 trợ giúp viên pháp lý được nâng hạng trợ giúp viên pháp lý lên hạng II, 3 trợ giúp viên pháp lý hoàn thành khóa học lớp bồi dưỡng trợ giúp viên pháp lý hạng II, 3 chuyên viên đang theo học lớp đào tạo nghề luật sư. Chất lượng tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý và luật sư ký hợp đồng với Trung tâm luôn được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu các tiêu chí đánh giá chất lượng do Bộ Tư pháp ban hành.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Ninh Bình cho biết, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành về luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung vào nhiệm vụ thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt chú trọng các vụ việc tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại và đương sự. Đơn vị chú trọng chất lượng thực hiện trợ giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý. Trung tâm sẽ tổ chức các lớp tập huấn về: kỹ năng tham gia tố tụng hình sự, dân sự, hành chính cho đội ngũ người thực hiện, trong đó tập trung vào kỹ năng tiếp xúc đương sự, tham gia hỏi cung, tranh tụng tại tòa; kỹ năng giao tiếp, nhất là tiếp xúc với các đối tượng đặc thù như người dân tộc thiểu số…
Trung tâm cũng cung cấp địa chỉ và số điện thoại của tổ chức/người thực hiện trợ giúp pháp lý, đường dây nóng đến trụ sở tiếp dân của chính quyền, Công an cơ sở, các địa điểm hội họp, tụ điểm sinh hoạt cộng đồng tại cụm dân cư, thôn, xóm, bản làng, chợ dân sinh để người dân có thể sử dụng khi cần... Đồng thời, Trung tâm tăng cường kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; phát hiện và kiến nghị, xử lý kịp thời những sai phạm trong việc thực hiện các chính sách, dự án, tiểu dự án; đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Chương trình./.
- Từ khóa:
- trợ giúp
- pháp lý
- người nghèo
- đồng bào
- dân tộc thiểu số