Trong xây dựng nông thôn mới, cùng với việc đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, tỉnh có nhiều phương pháp, cách làm chủ động, sáng tạo, đặc biệt là xây dựng mô hình sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, thích ứng biến đổi khí hậu để tăng hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích…
(TTXVN) Sau 12 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với nhiều cách làm sáng tạo, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chủ động, tự giác thực hiện của người dân, Trà Vinh đã đạt nhiều thành quả lớn. Đến nay, toàn tỉnh có 82/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 27 xã nông thôn mới nâng cao; 6/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Diện mạo mới ở vùng nông thôn Trà Vinh
Về vùng nông thôn Trà Vinh, mọi người đều thấy rõ sự “thay da đổi thịt”, với hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang. Các công trình giao thông được đưa vào sử dụng tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Cơ sở vật chất văn hóa, thông tin và truyền thông được nâng cấp, mở rộng, giúp nhân dân tiếp cận nhiều dịch vụ xã hội...
Tiểu Cần là huyện đầu tiên của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019. Địa phương đang phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024. Đến nay, 100% tuyến đường huyện đảm bảo ô tô đi lại thông suốt, kết nối tới Trung tâm hành chính các xã trên địa bàn. Đường liên xã, liên ấp đều được bê tông hóa. Nhiều tuyến đường người dân trồng cây xanh và hoa ven đường tạo mỹ quan sáng - xanh - sạch đẹp.
Theo Bí thư Huyện ủy Tiểu Cần Nguyễn Văn Phương, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện xác định người dân là chủ thể với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”. Nhờ vậy, người dân trên địa bàn tích cực tham gia chương trình.
Từ khi huyện đạt chuẩn nông thôn mới đến nay, người dân tiếp tục đóng góp tiền, hiến đất, vật kiến trúc, ngày công lao động…với tổng trị giá trên 51,3 tỷ đồng để xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện ước đạt 74,5 triệu đồng/người/năm, tăng trên 60 triệu đồng/người/năm so với năm 2011 và cao hơn mức bình quân chung của tỉnh gần 4 triệu đồng/người/năm.
Ông Huỳnh Kim Nhân, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Trà Vinh cho biết, trong xây dựng nông thôn mới, cùng với việc đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, tỉnh có nhiều phương pháp, cách làm chủ động, sáng tạo, đặc biệt là xây dựng mô hình sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, thích ứng biến đổi khí hậu để tăng hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích…
Tỉnh xác định phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã chuyển đổi gần 25.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác và nuôi thủy sản để tăng giá trị trên cùng đơn vị đất canh tác. Hầu hết diện tích chuyển đổi đều cho hiệu quả tăng gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đó. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn Trà Vinh đạt gần 60 triệu đồng/người/năm, tăng khoảng 48 triệu đồng/người/năm so với năm 2011.
Phấn đấu hoàn thành mục tiêu trước năm 2025
Phát huy thành quả 12 năm đạt được, Trà Vinh đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025. Theo đó, đến cuối năm 2022, ba xã cuối cùng của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (85/85 xã), thêm 10 xã nông thôn mới nâng cao, hai huyện Cầu Ngang và Duyên Hải đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm 2023, huyện cuối cùng của tỉnh là Trà Cú sẽ đạt chuẩn nông thôn mới (9/9 đơn vị cấp huyện), huyện Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2024, tỉnh phấn đấu có thêm huyện Tiểu Cần đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 60% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có thêm huyện Càng Long đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 70% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đồng thời phấn đấu có thêm 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đạt mục tiêu trên, Trà Vinh tập trung nhiều giải pháp, huy động nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án khác trên địa bàn để hỗ trợ các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tăng cường vận động tổ chức kinh tế hỗ trợ, người dân đóng góp xây dựng nông thôn mới theo tinh thần tự nguyện.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình xây dựng nông thôn mới, các sở, ngành liên quan, địa phương thường xuyên rà soát, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế, hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ việc xây dựng nông thôn mới đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế. Các địa phương chủ động ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện nội dung của Chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững.
Để tăng thu nhập cho người dân nông thôn, Trà Vinh tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững. Tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến, bảo quản nông sản theo mô hình liên kết, ưu tiên hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn và du lịch nông thôn…
Đồng thời, địa phương đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản địa phương. Trà Vinh hiện có 104 sản phẩm OCOP; trong đó, có 6 sản phẩm đang được tỉnh hỗ trợ thủ tục trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Trà Vinh quyết tâm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hướng tới xây dựng hình ảnh nông thôn mới kiểu mẫu, nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh./.