Xã hội

Đồng bào Công giáo Bắc Ninh chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh

Bắc Ninh

Tỉnh Bắc Ninh hiện có trên 15.000 người theo đạo Công giáo. Với phương châm "sống tốt đời, đẹp đạo", những năm qua, cùng với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đồng bào Công giáo đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Hang đá tại giáo xứ Cẩm Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh. Ảnh: Quang Nhiều/TTXVN

(TTXVN) Huyện Lương Tài là địa phương có người theo đạo Công giáo nhiều nhất tỉnh, với hơn 2.000 hộ, 7.000 giáo dân. Những năm qua, đồng bào Công giáo trên địa bàn huyện đã phát huy đường hướng "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào", tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động. Trọng tâm của thi đua yêu nước là chăm lo phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Theo ông Chu Quang Hậu, Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo huyện Lương Tài, những năm qua, phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo đã góp phần hình thành các mô hình kinh tế nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình trang trại của bà Nguyễn Thị Liên (ở Giáo xứ Lai Tê, xã Trung Chính) ; bà Chu Thị Thuộc, ông Chu Quang Phong (ở Giáo xứ Thọ Ninh, xã Phú Lương); bà Bùi Thị Gấm (ở Giáo họ Nghĩa La, xã Trung Chính), với thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, trong thời gian cao điểm của dịch COVD-19, mỗi đồng bào công giáo trên địa bàn huyện đã có nhiều việc làm ý nghĩa, luôn có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng. Các họ đạo đã thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, tự nguyện ủng hộ sức người, sức của, vận động đồng bào công giáo trong huyện ủng hộ được gần 400 triệu đồng để phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Ban Đoàn kết công giáo huyện cũng kêu gọi ủng hộ 800 triệu đồng và nhiều hiện vật cho khu dân cư bị phong tỏa và khu cách ly của huyện, góp phần không nhỏ vào công tác phòng, chống dịch ở địa phương. Đồng thời, các giáo xứ đã thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể phát động, qua đó đã góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, văn minh.

Ông Chu Văn Đức, Trưởng thôn Phương Giáo chia sẻ, thôn hiện có trên 120 hộ với hơn 700 nhân khẩu, trong đó có gần 80% dân số là người Công giáo. Những năm qua, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, người dân trong thôn đã tích cực tham gia, hưởng ứng phong trào. Đến nay, sự thay đổi của Phượng Giáo hiện hữu với đường bê tông trải dài, nhiều nhà cao tầng mọc lên, nhà văn hóa được đầu tư khang trang, sạch đẹp, trong thôn không có tệ nạn xã hội... Nhiều năm liền thôn được công nhận danh hiệu Làng văn hóa, với trên 95% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Kết quả đó là nhờ đồng bào Lương - Giáo trong thôn luôn đoàn kết, phát huy truyền huy truyền thống yêu nước, tích cực lao động sản xuất, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bà con giáo dân Phượng Giáo đang rất háo hức chào đón mùa Giáng sinh 2022. Ông Nguyễn Văn Thanh, Giáo xứ Phượng Giáo vui mừng cho biết, những năm qua, bà con giáo dân luôn thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chung tay xây dựng nông thôn mới, ngày càng giàu đẹp, văn minh. Hơn một tuần qua, bà con trong giáo xứ, mỗi người một việc cùng đến nhà thờ quét dọn, làm hang đá, cây thông Noel, cùng đón chào lễ Giáng sinh và năm mới ấm no, an lành, hạnh phúc.

Không chỉ ở huyện Lương Tài, không khí Lễ giáng sinh 2022 đang ngập tràn khắp phố phường, xứ đạo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Khác hẳn với những năm trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm nay khi dịch bệnh đã được kiểm soát, đồng bào công giáo trên địa bàn tỉnh đang rất háo hức chào đón lễ giáng sinh an lành, hạnh phúc.

Về giáo xứ Cẩm Giang, phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh trong những ngày này, không khí Giáng sinh đang ngập tràn. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho lễ Giáng sinh đã được người dân trong giáo xứ hoàn tất. Ông Ngô Văn Luận, Trùm trưởng họ Nhà xứ Cẩm Giang chia sẻ, để chuẩn bị cho đêm Giáng sinh chu đáo, đầy đủ, bà con trong giao xứ đã lên kế hoạch và chuẩn bị mua sắm nguyên vật liệu, đồ dùng làm hang đá, tượng Đức mẹ Maria, Chúa Giuse, các Thiên Thần, mục đồng, các con vật như bò, lừa và tượng ba vua trước đó cả tháng.

Theo ông Luận, cách lễ Giáng sinh khoảng một tuần, bà con tập trung về nhà thờ xứ để hoàn thiện các hang đá, trang hoàng, dọn vệ sinh. Nhà đông thì 5-7 người tham gia, ít thì 1-2 người, cao điểm có hàng trăm người làm công tác chuẩn bị cho đêm Giáng sinh. Các gia đình tự nguyện góp công, góp của, thể hiện trách nhiệm và tình yêu đối với Thiên Chúa, cộng đồng.

Ông Trương Đăng Huấn, giáo xứ Cẩm Giang, từ Sơn, Bắc Ninh trang trí cây thông Noel. Ảnh: Quang Nhiều/TTXVN

Dù tuổi đã cao, lại sống một mình nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Giáng sinh, ông Trương Đăng Huấn ở giáo xứ Cẩm Giang lại tất bật trang trí hang đá, máng cỏ, cây thông Noel để đón mừng lễ Giáng sinh. Ông Huấn tâm sự, do mới đi bệnh viện về nên ông tranh thủ dọn dẹp lại nhà cửa, làm hang đá, trang trí cây thông Noel. Giáng sinh là ngày lễ quan trọng nhất của đồng bào Công giáo nên mọi thứ phải chuẩn bị chu đáo. Niềm vui của ông Huấn và các giáo dân có hoàn cảnh khó khăn càng được nhân lên khi cứ mỗi dịp Giáng sinh ông lại nhận được quà của các cấp chính chính quyền. Chính sự quan tâm đó khiến ông cảm thấy rất hạnh phúc.

Chia sẻ về những đóng góp của đồng bào Công giáo đối với sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, ông Vũ Minh Đức, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Bắc Ninh khẳng định, những năm qua đồng bào Công giáo trong tỉnh luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua, trong đó nổi bật là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo”, xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với thực hiện tốt 10 nội dung thi đua “7 tốt đời, 3 đẹp đạo” do Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động. Hàng năm, có hơn 95% hộ gia đình giáo dân đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 100% đường làng, ngõ xóm của các xứ, họ đạo được bê tông hóa; nhà thờ, nhà văn hoá ở các xứ, họ đạo được xây dựng khang trang, tạo điều kiện thuận lợi để giáo dân phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa và sinh hoạt tôn giáo./.

Quang Nhiều

Xem thêm