Xã hội

Góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Luật Giao dịch điện tử được ban hành năm 2005, sau 17 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập cả về tính quy phạm pháp luật cũng như đưa Luật vào cuộc sống.

Tiến sỹ Khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Hương/TTXVN

(TTXVN) Sáng 24/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) nhằm lấy ý kiến tư vấn, phản biện của các nhà khoa học, đóng góp cho dự thảo Luật. 

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, Tiến sỹ Khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, trước yêu cầu cấp thiết, kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp 2013, để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, đẩy mạnh chuyển đối số quốc gia, Luật Giao dịch điện tử cần được sửa đổi, bổ sung.

Việc này sẽ giúp bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thích ứng với hoạt động của xã hội cũng như từng người dân, doanh nghiệp trong môi trường sống, lao động, sinh hoạt mới. Do đó, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử là rất cần thiết.

Toàn cảnh buổi Góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ảnh: Thanh Hương/TTXVN

Quốc hội khóa XV đã ban hành Chương trình xây dựng Luật năm 2022 — 2023, trong đó có việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử. Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổng hợp góp ý của các nhà khoa học để gửi tới Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhằm nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tới. 

Chủ tịch Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam, Tiến sỹ Trần Đức Lai cho rằng, Luật Giao dịch điện tử được ban hành năm 2005, sau 17 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập cả về tính quy phạm pháp luật cũng như đưa Luật vào cuộc sống, do vậy việc sửa đổi, bổ sung này là rất cần thiết. 

Về tổng thể, Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tương đối thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; đặc biệt khá tương thích với các Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết, tham gia. Tuy nhiên, đây là luật khá mới và rất chuyên ngành đối với toàn xã hội.

Tiến sỹ Trần Đức Lai đề nghị xem xét bổ sung một số thuật ngữ tương đối mới, lạ được sử dụng trong Luật, đồng thời đưa các nội dung có tính chất định nghĩa trong các điều lên phần giải thích từ ngữ, trong các điều chỉ nêu các hành vi có quy quy phạm pháp luật.

Cụ thể như hạ tầng công nghệ, chữ ký điện tử dùng riêng, chữ ký điện tử nước ngoài, chữ ký số công cộng, chữ ký số chuyên dùng, tài khoản định danh điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, dịch vụ tin cậy… 

Theo Tiến sỹ Phan Tùng Mậu, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cần khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật năm 2005.

Cụ thể, cần hạn chế bất cập trong quá trình sử dụng Luật Giao dịch điện tử năm 2005; xây dựng quy định cụ thể để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang bản điện tử và ngược lại là vấn đề quan trọng mà xã hội có nhu cầu về hành lang pháp lý cụ thể.

Bên cạnh đó là việc ban hành các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử, thúc đẩy giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước; quy định về việc tạo lập, thu thập, kết nối, chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước…

Cụ thể, cần hạn chế bất cập trong quá trình sử dụng Luật Giao dịch điện tử năm 2005; xây dựng quy định cụ thể để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang bản điện tử và ngược lại là vấn đề quan trọng mà xã hội có nhu cầu về hành lang pháp lý cụ thể.

Tiến sỹ Phan Tùng Mậu cũng nhấn mạnh đến an toàn thông tin cá nhân, tuy nhiều luật liên quan đã có nội dung này nhưng vẫn rất cần bảo vệ an toàn thông tin cá nhân, bởi vì ở mỗi luật, vị trí an toàn thông tin khác nhau.

Do vậy, Việt Nam cần điều quy định về vấn đề này; xem xét có nên có quy định chung của nhiều luật, hay quy định riêng của mỗi luật, nhưng không được trái ngược nhau... 

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp thêm ý kiến về vai trò, tính chất pháp lý của dữ liệu điện tử; chứng thư điện tử; gửi nhận thông điệp dữ liệu; chữ ký điện tử; giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; hợp đồng điện tử vô hiệu, cách giải quyết các tranh chấp phát sinh các hợp đồng điện tử; giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; thực hiện giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử…/. 

Lý Thanh Hương

Tin liên quan

Xem thêm