Tỉnh Phú Thọ đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống tai đuối nước ở trẻ em, phấn đấu hằng năm giảm 10% số trẻ tử vong do đuối nước.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống, hạn chế tai nạn đuối nước ở trẻ em.
* Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả
Không ít vụ đuối nước thương tâm xảy ra trên địa bàn tỉnh. Nguy cơ đuối nước ở trẻ, nhất là trong dịp hè vẫn đang là nỗi lo của không ít bậc phụ huynh và học sinh. Gần đây, trên địa bàn tỉnh, liên tiếp hai vụ đuối nước đã xảy ra làm 3 trẻ tử vong.
Cuối tháng 3/2023, một bé trai 13 tuổi tại xã Mạn Lạn, huyện Thanh Ba bị ngã xuống sông và bị nước cuốn trôi khi đang đi nhặt chai nhựa tại bãi bồi sông Hồng. Cuối tháng 4/2023, hai học sinh lớp 5 và lớp 8 (cùng trú tại khu Quang Trung 2, xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê) rủ nhau ra bờ sông Hồng tắm, không may bị nước cuốn trôi, dẫn đến tử vong. Đây là hai trong số nhiều vụ đuối nước liên quan đến trẻ em xảy ra trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong dịp hè.
Trước thực trạng này, tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống tai đuối nước ở trẻ em. Nhiều địa phương, đơn vị có cách làm sáng tạo mang lại hiệu quả trong phòng tránh đuối nước cho trẻ em.
Huyện Đoan Hùng đã vận động nguồn lực xã hội hóa xây dựng các bể bơi nhỏ, lắp đặt các bể bơi dã chiến tại khu dân cư để dạy bơi và phục vụ vui chơi cho trẻ. Ông Nguyễn Thanh Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện cho biết, Đoan Hùng có hai con sông chảy qua 15 xã với 68 km bờ sông, cùng với nhiều hồ đập lớn nước sâu. Cứ vào dịp hè nắng nóng, trẻ em thường tìm đến những khu vực này để tắm, bơi lội, nguy cơ bị đuối nước rất cao.
Từ nguồn lực xã hội hóa, huyện đã xây dựng một bể bơi dã chiến tại Trường Tiểu học Thị trấn Đoan Hùng, hàng ngày thu hút hàng trăm lượt trẻ em đến tập bơi. Đồng thời, huyện mở nhiều lớp huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu đối với người bị thương tích và đuối nước cho 1.200 học sinh của các trường Trung học Phổ thông và một số trường Trung học Cơ sở. Nhiều cán bộ, giáo viên, cựu chiến binh… có kỹ năng bơi lội sẵn sàng dạy bơi miễn phí cho học sinh. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ bể bơi giảm 50% giá vé cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn hoàn cảnh khó khăn…
Tại huyện Cẩm Khê, lực lượng Công an huyện và các xã, thị trấn đã tổ chức cắm 79 biển cảnh báo phòng, chống đuối nước; trang bị 300 phao bơi đặt tại các biển cảnh báo ở những nơi có sông suối, ao hồ, đập nước thường xuyên có trẻ em đến tắm. Đồng thời, huyện phát động toàn dân luyện tập môn bơi, phòng, chống đuối nước; tuyên truyền phòng, chống đuối nước tại các xã, thị trấn, giúp trẻ em nâng cao nhận thức, tự bảo vệ mình và phòng tránh tai nạn đuối nước.
Các địa phương còn triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức cho phụ huynh, học sinh về quản lý, chăm sóc con em trong mùa hè, thường xuyên kiểm tra những nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước để kịp thời nhắc nhở các em không tắm ở các khu vực nước sâu nguy hiểm.
Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Việt Trì có cách làm riêng mang lại hiệu quả cao trong phòng, chống tai đuối nước ở trẻ em. Nhà trường đã tổ chức cho giáo viên thể dục dạy bơi cho học sinh trong dịp hè. Trung bình mỗi năm, nhà trường có khoảng 300 học sinh đăng ký học bơi trong dịp hè. Trên 70% học sinh của trường biết bơi. Các lớp học bơi đã giúp các em được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, có kỹ thuật bơi cơ bản và kỹ năng phòng, chống đuối nước.
* Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ đảm bảo 40% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn và đạt 50% vào năm 2030. 90% trẻ em sử dụng áo phao cứu sinh khi tham gia giao thông trên các phương tiện đường thủy nội bộ có bắt buộc sử dụng phao cứu sinh và đạt 95% vào năm 2030. Hằng năm giảm 10% số trẻ tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030…
Đạt mục tiêu đề ra, Sở đẩy mạnh tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; triển khai tư vấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Ngành chức năng nâng cao năng lực về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác trẻ em; hướng dẫn triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí cộng đồng an toàn và xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; xây dựng, vận hành hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá về tình hình tai nạn, thương tích trẻ em…
Ban An toàn giao thông tỉnh đã có văn bản đề nghị các thành viên trong Ban An toàn giao thông của tỉnh, các huyện, thành, thị tăng cường truyền thông giáo dục, vận động các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, khu dân cư nâng cao nhận thức và trách nhiệm phòng, chống tai nạn thương tích; đặc biệt là phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh.
Các đơn vị đẩy mạnh tư vấn, giáo dục kiến thức, kỹ năng về an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại trường học, cộng đồng; giám sát, trông giữ trẻ an toàn; can thiệp, loại bỏ nguy cơ gây tai nạn đuối nước cho trẻ em; nhân rộng mô hình dạy bơi an toàn, kỹ năng thoát khỏi đuối nước và hướng dẫn các cơ sở dịch vụ thể dục, thể thao liên quan đến hoạt động bơi, lặn bảo đảm an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em.
Các gia đình không cho trẻ em tắm sông, hồ hay chơi đùa ở gần khu vực bờ sông, suối, hồ để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn; bố trí biển cảnh báo ở các vị trí nguy hiểm, để cảnh báo cho trẻ em nguy cơ bị đuối nước khi tắm ở sông, suối, kênh, hồ…
Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị trực thuộc; các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, các tổ, chức đoàn thể tại địa phương hướng dẫn các em tham gia hoạt động vui chơi lành mạnh. Các đơn vị tổ chức các lớp học bơi, kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn đuối nước trong thời gian các em nghỉ hè.
Các đơn vị kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai bão, lũ, lụt..., tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, cuộc thi, giao lưu nâng cao nhận thức, kỹ năng năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho toàn thể cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, người lao động, học sinh và phụ huynh.
Sở đã chỉ đạo các trường lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống đuối nước trẻ em trong các hoạt động giảng dạy ở nhà trường, đặc biệt chú ý hướng dẫn kỹ năng bơi lội, kỹ năng an toàn trong môi trường nước; thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.
Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục phối hợp các cơ quan, tổ chức, phụ huynh tăng cường quản lý học sinh tham gia các hoạt động giáo dục trong, ngoài nhà trường, đặc biệt khoảng thời gian từ nhà đến trường và ngược lại. Các cơ sở giáo dục phối hợp với các cấp chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát, phát hiện các điểm nóng có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước và cảnh báo kịp thời…/.
- Từ khóa:
- Phú Thọ
- phòng chống
- tai nạn thương tích
- học bơi