Văn hóa

Dòng chảy trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023

Hà Nội

Lễ hội là sự kiện mà thành phố lan tỏa những vấn đề UNESCO mong muốn sau khi Hà Nội được công nhận là Thành phố Sáng tạo, tạo dựng một môi trường tốt để cộng đồng sáng tạo phát huy khả năng của mình.

Một mô hình thiết kế sáng tạo tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022 được trưng bày ở khu vực không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Ngày 13/11, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề “Dòng chảy” sẽ diễn ra từ ngày 17 - 26/11 tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

Giám đốc Đỗ Đình Hồng cho biết, “Dòng chảy” di sản trong Thành phố Sáng tạo mang ý nghĩa lớn khi Hà Nội sở hữu tới 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.350 làng nghề. Lễ hội là sự kiện mà thành phố lan tỏa những vấn đề UNESCO mong muốn sau khi Hà Nội được công nhận là Thành phố Sáng tạo, tạo dựng một môi trường tốt để cộng đồng sáng tạo phát huy khả năng của mình.

Hơn 200 đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sỹ thuộc các đối tượng khác nhau trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ sỹ trẻ đã, đang tích cực tham gia ý tưởng và đồng hành cùng sự kiện. Lễ hội sẽ khơi dòng cho việc chuyển đổi di sản công nghiệp thành tổ hợp sáng tạo; đồng thời, khơi nguồn sáng tạo để các tổ chức, doanh nghiệp, người dân phát huy tâm huyết, đóng góp cho hoạt động sáng tạo của thành phố.

Lễ hội bao gồm 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc, 20 trưng bày và triển lãm, 20 hội thảo, tọa đàm; trong đó có 5 hội thảo quốc tế, 9 hoạt động giới thiệu nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo... được tổ chức tại tuyến địa điểm chính của Lễ hội là: Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu và vườn hoa Vạn Xuân, ga Long Biên, ga Gia Lâm. Bên cạnh đó, 17 quận, huyện, thị xã tại Hà Nội sẽ tổ chức 41 hoạt động, sự kiện văn hóa hưởng ứng Lễ hội với nội dung xoay quanh chủ đề “Dòng chảy” nhằm kết nối sự sáng tạo và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, hướng tới sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo của Thủ đô.

Lễ hội góp phần truyền cảm hứng sáng tạo, hứa hẹn trở thành một bệ phóng cho sức mạnh sáng tạo của Thủ đô, hướng đến hoạt động kinh tế của tương lai, bền vững và có tính lan tỏa tạo động lực cho các ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ khác phát triển. Nhằm triển khai Kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, hoạt động thường niên này của thành phố thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, khẳng định vị thế tiên phong của Hà Nội ở tầm quốc gia, hội nhập với xu thế kinh tế sáng tạo quốc tế.

Năm nay Lễ hội tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, cộng đồng và sáng tạo, nhằm hướng tới dòng chảy huyết mạch kết nối giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của Thủ đô. Tuyến trải nghiệm của Lễ hội nhấn mạnh vào sự kết nối hai bên bờ sông qua cầu Long Biên lịch sử; đồng thời, làm nổi bật các giá trị văn hóa lịch sử tại các quận, huyện trên địa bàn. Lễ hội tạo nên sân chơi sáng tạo, phát huy ý tưởng, kết nối các nhà sáng tạo, đem lại cho công chúng, khách du lịch trong và ngoài nước sản phẩm văn hóa chất lượng, thể hiện nguồn nội lực dồi dào của Hà Nội.

Chính sách di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô Hà Nội đang để lại những di sản công nghiệp giàu tiềm năng chờ được đánh thức. Đây là cơ hội để tạo ra những trải nghiệm, biến di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hóa sáng tạo, tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới và thu hút đầu tư, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, hướng đến phát triển bền vững. Với tầm nhìn chuyển đổi này, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là điểm nhấn của Lễ hội năm nay đang có nhiều tiềm năng trở thành tổ hợp văn hóa sáng tạo mới hấp dẫn giới trẻ của thành phố Hà Nội./.

Đinh Thuận

Xem thêm