Nữ giới Phật giáo có thể tham gia một cách tích cực hơn nữa vào các hoạt động giao lưu, hội nhập quốc tế của Phật giáo, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội – văn hóa trong "kỷ nguyên vươn mình" của đất nước.
Ngày 4/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo (Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đóng góp của Nữ giới Việt Nam với giao lưu và phát triển Phật giáo châu Á”, thu hút đông đảo học giả, nhà nghiên cứu, tăng ni, cư sĩ, cùng nhiều cơ quan nghiên cứu và các trường đại học tham dự.
Đây là cơ hội để luận bàn, chia sẻ thông tin tri thức, nhằm đưa ra những giải pháp để Ni sư, nữ giới Phật giáo có thể tham gia một cách tích cực hơn nữa vào các hoạt động giao lưu, hội nhập quốc tế của Phật giáo, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội – văn hóa trong "kỷ nguyên vươn mình" của đất nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi cho biết: Đây không phải lần đầu tiên Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo – Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học. Năm 2020, Viện đã phối hợp tổ chức thành công hội thảo về Nữ giới Phật giáo với báo chí. Sau đó, Viện còn phối hợp tổ chức lễ ra mắt số tạp chí đặc biệt về quan hệ Phật giáo Việt Nam – Sri Lanka năm 2021. Hội thảo lần này là sự tiếp nối của mối quan hệ hợp tác thành công giữa hai đơn vị trong nhiều năm qua, điều đó cho thấy không chỉ những vấn đề chính trị - kinh tế - quan hệ quốc tế được nghiên cứu, mà những vấn đề văn hóa – tôn giáo cũng rất được coi trọng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Trung bày tỏ, đánh giá đúng và ghi nhận những đóng góp của nữ giới trong giao lưu và phát triển Phật giáo quốc tế sẽ góp phần tích cực vào việc khích lệ, cổ vũ nữ giới cống hiến tích cực hơn cho sự phát triển của Phật giáo nước nhà và cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cho sự phát triển của Phật giáo châu Á.
Tiến sỹ Kiều Thanh Nga, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi cho rằng, Ni giới Việt Nam đang trở thành cầu nối tích cực trong các hoạt động giao lưu Phật giáo tại châu Á. Dù còn nhiều thách thức, nhưng với tinh thần dấn thân và lòng từ bi, họ đã và đang đóng góp hiệu quả vào việc kết nối văn hóa, giáo lý giữa các quốc gia. Nhiều Ni sư Việt Nam đang hoạt động tại các quốc gia châu Á đã chủ động xây dựng cơ sở giáo dục, tổ chức các lớp học tiếng Việt – tiếng bản địa, tham gia vào hoạt động cộng đồng, từ thiện, qua đó không chỉ truyền bá tinh thần Phật giáo mà còn lan tỏa hình ảnh văn hóa Việt Nam một cách sinh động và gần gũi.
Tiến sỹ, Tống Thị Quỳnh Hương, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, Ni giới Việt Nam tham gia tích cực vào công tác bảo tồn các giá trị văn hóa Phật giáo trong khu vực. Trong tiến trình phát triển của Phật giáo Á Đông, Ni giới Việt Nam đã đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng như sáng lập và duy trì các tu viện, tổ chức các khóa tu học cho cư sĩ, gìn giữ và phổ biến nghi lễ truyền thống, cũng như biên soạn và dịch thuật kinh điển Phật giáo để phù hợp với bối cảnh văn hóa bản địa. Thông qua các hoạt động thiết thực này, Ni giới đã góp phần duy trì mối liên kết bền chặt giữa Phật giáo Việt Nam và các nền văn hóa Phật giáo lớn trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan. Những nỗ lực ấy không chỉ thể hiện sự hội nhập mà còn là minh chứng cho năng lực bảo tồn – phát triển hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Hội thảo tập trung vào ba chủ đề: Tổng luận về Ni giới Việt Nam trong giao lưu và phát triển Phật giáo châu Á; Nữ giới Việt Nam: Những dấu chân hành pháp ở châu Á; Phật giáo Việt Nam hội nhập quốc tế: Nhìn từ vai trò của một số nhân vật tiêu biểu.
Các tham luận đánh giá, ghi nhận giá trị, vai trò của nữ giới Việt Nam trong giao lưu và phát triển Phật giáo châu Á; phân tích thực trạng, đánh giá cơ hội, thách thức khi Nữ giới Việt Nam nói chung, đặc biệt là Ni giới Việt Nam nói riêng, hội nhập quốc tế trong bối cảnh thời đại công nghiệp 4.0; đề xuất giải pháp hội nhập quốc tế.../.