Tiền Giang hiện có 3 điểm du lịch nông nghiệp được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh xếp hạng gồm: Nhà cổ Ba Đức (Cái Bè), Trại rắn Đồng Tâm (Châu Thành) và vườn lan Thảo Nguyên (thành phố Mỹ Tho).
TTXVN - Nằm ở khu vực sông Tiền, Tiền Giang là tỉnh có nhiều ưu thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn nhờ mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đa dạng về tiểu vùng sinh thái: ngọt, lợ, mặn; trên 80.000 ha vườn trồng cây ăn quả đặc sản, nhiều di tích, danh lam thắng cảnh hấp dẫn du khách.
Gần đây, loại hình du lịch nông nghiệp ở Tiền Giang phát triển mạnh, thu hút du khách trong nước và quốc tế, giúp ngành Du lịch địa phương tăng trưởng mạnh mẽ sau COVID-19.
Toàn tỉnh hiện có 46 khu, điểm du lịch cùng hàng trăm lò bánh kẹo, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và làng nghề truyền thống nông thôn. Loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn đang phát triển mạnh với hàng chục điểm du lịch mới ra mắt ở khắp các địa bàn trọng điểm trong tỉnh, từ ven biển Gò Công phía Đông đến vùng Kiểm soát lũ và vùng Đồng Tháp Mười nằm phía Tây.
Đặc biệt, Tiền Giang hiện có 3 điểm du lịch nông nghiệp được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh xếp hạng gồm: Hai điểm đạt 4 sao là nhà cổ Ba Đức (Cái Bè) và Trại rắn Đồng Tâm (Châu Thành), một điểm đạt OCOP 3 sao là vườn lan Thảo Nguyên (thành phố Mỹ Tho).
Nông trại Dê Sữa Đông Nghi (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành) là điểm du lịch độc đáo được nhiều người biết đến tại Tiền Giang. Theo bà Lê Khắc Đông Nghi, Giám đốc Nông trại, trung bình mỗi tuần, nơi đây thu hút trên một ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
Đến thăm Nông trại, du khách thích thú vì được trở về với không gian đồng ruộng, vườn cây, tìm hiểu quy trình sản suất nông nghiệp sạch, chăn nuôi an toàn sinh học vừa trực tiếp tham gia vào nhiều hoạt động như: cho dê ăn, dẫn dê đi dạo, tìm hiểu quy trình nuôi một con dê từ khi sinh đến trưởng thành cho khai thác sữa tươi cùng quy trình vắt sữa dê, sơ chế, chế biến cho tới khi ra sản phẩm là chai sữa tươi. Từ sữa dê tươi, Nông trại chế biến nhiều sản phẩm có lợi cho sức khỏe như: Yaourt sữa dê, bánh plant sữa dê... Điểm du lịch này còn tổ chức dịch vụ bơi xuồng trên sông, đi xe đạp len lỏi qua các khu vườn cây ăn trái, tham gia trò chơi dân gian.
Theo bà Lê Khắc Đông Nghi, thời gian tới, đơn vị liên kết với các điểm du lịch nông nghiệp nổi tiếng ở Tiền Giang như: Điền lan Thôn trang (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành), vườn lan Thảo Nguyên (thành phố Mỹ Tho) và các điểm du lịch sinh thái trong vùng Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước) nhằm xây dựng tour du lịch mới, lạ và hấp dẫn phục vụ du khách.
Do thấy được hiệu quả phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, các địa phương có tiềm năng và thế mạnh trong tỉnh như Gò Công Đông, thị xã Gò Công, Tân Phước, Cái Bè… đang xây dựng phương án phát triển du lịch, khuyến khích người dân, nhà đầu tư khai thác loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong cho biết, địa phương có kế hoạch đánh thức tiềm năng du lịch trên cơ sở phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp kết hợp chương trình xây dựng sản phẩm đặc trưng OCOP, đồng thời kết nối du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười gồm các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè Lê Văn Ý chia sẻ, bên cạnh phát huy tiềm năng du lịch sinh thái miệt vườn với nhiều tour, tuyến đặc sắc như tham quan sông nước Tiền Giang, Làng cổ Đông Hòa Hiệp, chợ nổi Cái Bè…, hằng năm, địa phương gắn kết Lễ hội du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp với tổ chức thêm các tour du lịch tham quan làng nghề truyền thống, điểm du lịch mùa nước nổi tỉnh Đồng Tháp, du lịch miệt vườn tỉnh Vĩnh Long... Qua đó tạo sự đa dạng, hấp dẫn và mới mẻ cho ngành Du lịch địa phương, thu hút du khách.
Nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh du lịch theo hướng bền vững, Tiền Giang xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển du lịch cụ thể, phù hợp, mang lại hiệu quả với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và doanh nghiệp lữ hành trong, ngoài tỉnh. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp lữ hành đưa ra nhiều giải pháp thu hút du khách, có sự đầu tư nghiên cứu phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn gắn với tăng cường xúc tiến du lịch rộng rãi, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của nhiều đối tượng du khách trong và ngoài nước.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân cho biết, nhờ sức hấp dẫn của loại hình du lịch nông nghiệp cùng nỗ lực đổi mới không ngừng, ngành Du lịch địa phương đang tăng trưởng mạnh mẽ. Trong 8 tháng năm 2023, toàn tỉnh đón hơn 781.000 lượt du khách, tăng trên 79% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có gần 230.000 lượt khách quốc tế, tăng gần 7 lần. Riêng trong hai ngày cao điểm dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, các doanh nghiệp lữ hành tại Tiền Giang phục vụ gần 23.000 lượt du khách. Tổng doanh thu trực tiếp từ du lịch 8 tháng qua đạt 500 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước./.
- Từ khóa:
- Du lịch nông nghiệp
- sinh thái
- Tiền Giang