Xã hội

Đưa các sản phẩm phát thanh, truyền hình lên nền tảng số

TP. Hồ Chí Minh

Các cơ quan quản lý báo chí tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ chuyển đổi số đối với lĩnh vực phát thanh, truyền hình, trọng tâm là đưa sản xuất nội dung và phân phối nội dung lên môi trường số.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông trao Bằng khen cho các Đài có thành tích xuất sắc. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

TTXVN - Ngày 10/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2023 và tổng kết phong trào thi đua khen thưởng năm 2022 lĩnh vực phát thanh, truyền hình.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, chủ trương chuyển đổi số và sự thay đổi thói quen đọc, xem, nghe của người dân tác động trực tiếp, mang tính quyết định đến việc xây dựng định hướng phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình trong thời gian tới. Nếu trước đây các đơn vị chỉ tập trung vào nội dung thì trong xu thế hiện nay, các đơn vị còn phải chú trọng đến phương thức tiếp cận người xem, người nghe phù hợp. Đưa các sản phẩm phát thanh, truyền hình lên nền tảng số là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ rất quan trọng của ngành để tiếp cận công chúng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, một thách thức mới và lớn khi đưa các phẩm lên nền tảng số là phải đảm bảo lan tỏa được thông tin chính thống trên không gian số, để thông tin chính thống chiếm tỷ lệ cao, có vai trò dẫn dắt, lấn át những thông tin không chính thống, thông tin độc hại. Hiện Bộ đã có các nhóm giải pháp căn cơ để xử lý nền tảng mạng xã hội nước ngoài mà thuật toán hoặc mô hình kinh doanh khuyến khích phát tán những thông tin nhảm nhí, độc hại, chỉ vì mục tiêu lợi nhuận quảng cáo. Trong đó có nhóm giải pháp điều tiết dòng tiền quảng cáo về hệ sinh thái truyền thông chính thống, bằng việc yêu cầu các nhãn hàng, công ty quảng cáo trong nước chấm dứt việc đưa quảng cao lên các kênh, tài khoản, trang web có nội dung độc hại, nhảm nhí, vi phạm pháp luật (các kênh, tài khoản này đã được Bộ thống kê).

Chia sẻ về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, các cơ quan quản lý báo chí tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ chuyển đổi số đối với lĩnh vực phát thanh, truyền hình, trọng tâm là đưa sản xuất nội dung và phân phối nội dung lên môi trường số, đổi mới cách làm nội dung, đa dạng hóa nguồn thu báo chí; chuyển từ tư duy từ báo chí, truyền thông hoạt động thu bằng quảng cáo sang tư duy hoạt động thu phí nội dung. Các đơn vị phát triển thị phần, tăng lượng khán giả và có nguồn thu trên nền tảng số bằng việc làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng.

Cùng với đó, cơ quan quản lý báo chí tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động của các Đài, nhất là hoạt động liên kết sản xuất chương trình, kênh chương trình; hoạt động biên tập, biên dịch kênh nước ngoài; biên tập nội dung theo yêu cầu; rà soát, ngăn chặn kịp thời các thông tin xấu, độc, sai sự thật trên mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội xuyên biên giới.

Xu thế nghe, xem của khán, thính giả ngày nay đã thay đổi. Các thông tin trên mạng xã hội nhanh, hấp dẫn, phù hợp tâm lý và thói quen sinh hoạt của người dân hơn so với các kênh phát thanh, truyền hình truyền thống. Phát thanh, truyền hình truyền thống hiện chỉ còn ưu thế là tính chính luận, xác tín và chuyên nghiệp. Những ưu thế này không đủ để tiếp tục thúc đẩy ngành phát triển trong thời gian tới. Vì thế, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan báo chí tiếp tục đổi mới cách thức, nội dung các chương trình, nâng cao chất lượng thông tin, định hướng dư luận.

Trong năm 2022, công tác thông tin tuyên truyền chính trị vẫn là nhiệm vụ hàng đầu được các Đài Phát thanh - Truyền hình thực hiện nghiêm túc, chất lượng theo đúng tôn chỉ, mục đích và định hướng nội dung từ các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí. Các nội dung thông tin, tuyên truyền tập trung vào những sự kiện chính trị, những vấn đề lớn của đất nước. Các Đài đã tích cực đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, tận dụng công nghệ để phát triển sản phẩm số, tăng khả năng tiếp cận thông tin của người dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số Đài vẫn chưa có nhiều chương trình thật sự hấp dẫn, có tính phát hiện, định hướng, có chiều sâu. Các Đài đều gặp khó trong khai thác nguồn thu từ quảng cáo trên kênh phát thanh, truyền hình truyền thống. Mặt khác, trong hoạt động liên kết sản xuất, có Đài không nắm bản quyền các chương trình liên kết; quy trình quản lý nội bộ với hoạt động liên kết chưa chặt chẽ; không kiểm soát được hoạt động đưa sản phẩm liên kết đối tác lên các nền tảng internet...

Cả nước hiện có 72 cơ quan hoạt động phát thanh, truyền hình; trong đó có Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Thông tấn và Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh được cấp giấy phép biên tập kênh truyền hình nước ngoài. Tính đến tháng 12/2022, cả nước có 77 kênh phát thanh và 194 kênh truyền hình trong nước; 57 kênh nước ngoài cung cấp trên dịch vụ truyền hình trả tiền./.




Thu Hoài

Xem thêm