Chỉ đạo, Điều hành

Đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển khu vực Đồng bằng sông Hồng * Bài 2: Biến quyết tâm thành hành động

Thái Bình

Xây dựng Thái Bình trở thành một cực tăng trưởng mới của vùng Đồng bằng sông Hồng, đó là khát vọng lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Liên Hà Thái - Khu Công nghiệp tiên phong trong Khu Kinh tế Thái Bình.
Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN phát

TTXVN - Dù còn nhiều khó khăn song với quyết tâm chính trị cao, tinh thần chung sức đồng lòng của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, Thái Bình từng bước biến quyết tâm thành hành động, sớm đưa khát vọng trở thành hiện thực.

*Kỳ vọng bứt phá

Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt và công bố rộng rãi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức và toàn thể nhân dân biết, hiểu và thống nhất trong nhận thức và hành động. Đây là tiền đề, điều kiện hàng đầu để tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh một cách nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả.

Đảng viên Nguyễn Huy Tưởng (phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) bày tỏ vui mừng khi một trong những nội dung cốt lõi được Quy hoạch tỉnh đề cập là quan tâm xây dựng thành phố Thái Bình là đô thị hạt nhân của tỉnh theo mô hình “đô thị xanh, hiện đại, có bản sắc riêng” và là một trong những đô thị lớn của vùng với không gian phát triển được mở rộng, đa chức năng. Với tính khả thi của Quy hoạch, ông Tưởng kỳ vọng thành phố Thái Bình sẽ thực sự đổi mới, đời sống nhân dân được nâng cao cả về vật chất và tinh thần.

Ông Bùi Thế Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Green i-Park, chủ đầu tư Khu công nghiệp Liên Hà Thái cho biết, Khu công nghiệp Liên Hà Thái là Khu công nghiệp đầu tiên được xây dựng trong Khu Kinh tế Thái Bình với diện tích trên 588 ha, tổng vốn đầu tư 3.885 tỷ đồng. Chỉ sau 2 năm hoạt động, với tâm huyết và sự đồng hành tích cực của chính quyền địa phương cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, Khu công nghiệp đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Đến nay, Khu công nghiệp này đã thu hút được 14 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD. Năm 2023, Thái Bình lần đầu lọt top 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với gần 3 tỷ USD.

Lãnh đạo Công ty Green i-Park tin tưởng, Quy hoạch tỉnh Thái Bình sẽ sớm trở thành hiện thực với những định hướng chiến lược, rõ ràng, trong đó xác định Khu Kinh tế Thái Bình là một trong 4 trụ cột tăng trưởng kinh tế, xây dựng trở thành hạt nhân, là trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Với định hướng đó, năm 2024 Công ty Green i-Park sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng khép kín toàn bộ hạ tầng Khu công nghiệp và tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút thêm nhiều các nhà đầu tư mới, phấn đấu trở thành khu công nghiệp tiên phong kiểu mẫu trong Khu Kinh tế Thái Bình.

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh diễn ra ngày 5/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao nỗ lực của Thái Bình trong phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ phát triển nhanh, trở thành một trong những điểm đến thu hút các nhà đầu tư. Phó Thủ tướng cũng nhất trí cao với các giải pháp cùng 3 khâu đột phá then chốt, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 4 trụ cột tăng trưởng Quy hoạch tỉnh đã đề ra. Với nhiều lợi thế phát triển và tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, Phó Thủ tướng tin tưởng Thái Bình sẽ vươn lên bứt phá mạnh mẽ.

Thái Bình phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 13,4% / năm.
Ảnh: Thế Duyệt /TTXVN phát

* Hiện thực hóa khát vọng

Với tinh thần cống hiến, khát vọng phát triển quê hương, mong muốn đưa Thái Bình phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh, ngay sau khi công bố Quy hoạch, tỉnh sẽ chỉ đạo triển khai kịp thời các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, đề án, dự án nhằm cụ thể hóa Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Tỉnh Thái Bình cam kết, sẽ đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của tỉnh; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Quy hoạch tỉnh đã đề ra.

Còn Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải khẳng định, việc Quy hoạch tỉnh Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng mới là bước khởi đầu, còn nhiều nhiệm vụ nặng nề và thách thức to lớn đang ở phía trước.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài trong nội dung Quy hoạch, đưa định hướng, tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển của tỉnh Thái Bình trở thành hiện thực, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, tỉnh Thái Bình sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân. Tỉnh giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, các dự án ưu tiên của tỉnh để các nhà đầu tư, doanh nghiệp và Nhân dân tìm hiểu, nắm bắt tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển mới của tỉnh; thông qua đó thúc đẩy thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao để thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh.

Tỉnh Thái Bình phấn đấu đến năm 2030, Thái Bình là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng.
Ảnh: Thế Duyệt /TTXVN phát

Cùng với đó, tỉnh Thái Bình sẽ tập trung nghiên cứu, đánh giá mức độ thiết yếu, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo đúng định hướng Quy hoạch tỉnh. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt; các công trình hạ tầng trọng điểm, có tính đột phá, sức lan tỏa, trong đó tập trung thực hiện 3 khâu đột phá phát triển mang tính then chốt Quy hoạch tỉnh đề ra; tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài ra, tỉnh sẽ tăng cường đầu tư cho y tế, giáo dục; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ đắc lực cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội…

Tỉnh Thái Bình phấn đấu đến năm 2030 là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng; đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được đảm bảo..../.

Bài 1:  “Kim chỉ nam” trên hành trình khát vọng đưa Thái Bình thành tỉnh phát triển khu vực Đồng bằng sông Hồng

Quang Đán - Thu Hoài

Tin liên quan

Xem thêm