Đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển khu vực Đồng bằng sông Hồng * Bài 1: “Kim chỉ nam” trên hành trình khát vọng
Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 được coi là “kim chỉ nam”, căn cứ pháp lý quan trọng để tỉnh hiện thực hóa khát vọng trở thành tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.
TTXVN - Quy hoạch tỉnh có vai trò đặc biệt quan trọng, luôn đi trước một bước với tư duy và tầm nhìn chiến lược. Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện rõ tư duy đó với nhiều đổi mới, đột phá, thể hiện bức tranh tổng thể, toàn diện của địa phương từ việc đánh giá tiềm năng, thuận lợi, khó khăn, thách thức đến sắp xếp, tổ chức lại không gian phát triển với những định hướng, giải pháp cụ thể, từ đó tìm kiếm cơ hội mới, động lực mới xây dựng tỉnh ngày càng phát triển.
*Mở hướng phát triển
Thái Bình là tỉnh đồng bằng ven biển nằm ở phía Nam châu thổ sông Hồng, năm 2006 và năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định 262/2006/QĐ-TTg, Quyết định 733/QĐ-TTg Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020 với mục tiêu tổng quát được đề cập ở Quy hoạch tổng thể phê duyệt năm 2011 là: “xây dựng tỉnh Thái Bình có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững”, “phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh nông thôn mới, có nền nông nghiệp và công nghiệp theo hướng hiện đại”. Quy hoạch chỉ ra phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực cũng như tổ chức không gian phát triển và nhóm giải pháp thực hiện.
Kế thừa những giá trị cốt lõi trong các bản Quy hoạch trước, cùng thực tiễn khách quan sau gần 15 năm xây dựng và phát triển, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là yêu cầu cấp thiết để Thái Bình nhìn nhận cơ hội, thách thức và tìm ra lời giải, khơi thông điểm nghẽn, phát huy tối đa lợi thế đưa địa phương bứt phá vươn lên.
Sau khi được phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện nhiệm vụ với khối lượng công việc lớn, thời gian ngắn. Sau 3 năm triển khai, Quy hoạch tỉnh Thái Bình hoàn thiện với sự tham gia tích cực, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao của các sở, ngành, đơn vị tư vấn, góp ý của các Bộ, ngành Trung ương, địa phương trong vùng, chuyên gia, nhà khoa học cùng đóng góp ý kiến của đông đảo nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận khẳng định, nội dung Quy hoạch bảo đảm chất lượng, có tầm nhìn chiến lược, cụ thể hóa khát vọng phát triển: Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững với mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng, đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được bảo đảm.
Quy hoạch xác định những định hướng lớn tạo đột phá phát triển với 3 đột phá, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 trụ cột tăng trưởng kinh tế, trong đó, nông nghiệp được xác định là trụ cột quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời hướng tới xây dựng Thái Bình trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu của vùng Đồng bằng sông Hồng; xây dựng tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp theo hướng hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp, năng lượng hàng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng, là địa bàn trung chuyển và trung tâm phân phối hàng hóa của khu vực phía Nam Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ; xây dựng các khu đô thị xanh - sạch - đẹp, trong lành, đáng sống cho người dân; phát triển toàn diện Khu Kinh tế Thái Bình thành hạt nhân, là trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, quy hoạch tỉnh có nhiều điểm mới, đột phá như mở ra không gian phát triển mới thông qua hoạt động “lấn biển”. Thái Bình phát triển kinh tế hướng biển tạo sự phát triển đột phá ở lĩnh vực cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái biển. Đồng thời, mở rộng không gian lấn biển tạo quỹ đất cho các hoạt động chức năng, hình thành không gian công nghiệp - đô thị - dịch vụ đồng bộ, cảnh quan sinh thái ven biển hấp dẫn. Xây dựng hệ thống đô thị đồng bộ, hiện đại với thành phố Thái Bình là đô thị hạt nhân của tỉnh và là một trong những đô thị lớn của vùng, “trở thành đô thị xanh, hiện đại, có bản sắc riêng”, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, thương mại; thành phố cảnh quan 2 bên bờ Trà Lý; phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi; phát triển Công nghiệp dược - sinh học, sân bay chuyên dụng...
Theo phân tích của đơn vị tư vấn, Thái Bình là tỉnh “đất chật, người đông”, quy mô diện tích khá nhỏ (chiếm 0,48% diện tích cả nước), xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên về dân số, Thái Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, chiếm 1,9% dân số cả nước và có mật độ dân số gấp 4 lần trung bình cả nước. Mặt khác, Thái Bình nằm trong hành lang kinh tế phía Đông, có trên 16.000 ha đất mặt nước ven biển, đây là điều kiện thuận lợi để địa phương khai thác lấn biển, mở rộng không gian phát triển thực hiện các dự án đô thị, du lịch, thương mại, công nghiệp.
*Quy hoạch trong mối tương quan, liên kết vùng
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải đánh giá, với 8 điểm cốt lõi, Quy hoạch tỉnh thể hiện tư duy, tầm nhìn phát triển mới, dài hạn đặt trong tổng thể quy hoạch Quốc gia, quy hoạch vùng, ngành, lĩnh vực.
Theo đó, phương án tổ chức không gian kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình được định hình theo cấu trúc dựa trên bộ khung: Một trung tâm là thành phố Thái Bình; một hành lang kinh tế phía Đông (với hai trung tâm là đô thị Tiền Hải và đô thị Thái Thụy đóng vai trò đô thị đối trọng với thành phố Thái Bình) kết nối trục Đông Bắc - Tây Nam; một hành lang phát triển Tây Bắc kết nối các khu vực phụ cận ngoại biên với các tỉnh lân cận: Hưng Yên, Hà Nam và hướng về thành phố Hà Nội và một hành lang Đông Bắc - Tây Nam kết nối từ các tỉnh phía Bắc Trung Bộ về thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh.
Không gian hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình tổ chức thành bốn khu vực chính, bao gồm không gian kinh tế - xã hội khu vực trung tâm (khu vực thành phố Thái Bình và phụ cận) phát triển các hoạt động kinh tế đô thị, thương mại, dịch vụ, đầu mối trong liên kết các dịch vụ với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Không gian này bố trí các chức năng phát triển theo hướng thông minh, hiện đại, hội nhập bắt kịp xu thế phát triển mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; thu hút hoạt động kinh tế đô thị, thương mại, dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, đào tạo.
Không gian kinh tế - xã hội ven biển (gồm 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy) kết nối với các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Hồng (Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình) phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội; không gian ven biển chịu tác động lan tỏa của các hoạt động kinh tế biển Hải Phòng với các kết nối về giao thông, phát triển logistics, cảng biển, tập trung vào lĩnh vực sản xuất và xuất, nhập khẩu hàng hóa. Không gian phía Bắc khu vực ven biển ưu tiên đón đầu các hoạt động lan tỏa về phát triển công nghiệp từ Hải Phòng. Không gian trung tâm khu vực ven biển gắn kết chặt chẽ với đô thị trung tâm là thành phố Thái Bình tập trung phát triển các ngành công nghiệp - dịch vụ mới, tiên tiến, hiện đại, bắt kịp xu thế phát triển mới, tạo năng lực cạnh tranh cho tỉnh; thu hút hoạt động công nghiệp - dịch vụ hiện đại, tiên tiến gắn với hoạt động kinh tế biển như, cảng biển, năng lượng tái tạo, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.
Không gian kinh tế - xã hội khu vực ngoại biên (gồm hai huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ và phía Bắc huyện Đông Hưng) chịu ảnh hưởng lan tỏa từ các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển công nghiệp, dịch vụ từ vùng Thủ đô Hà Nội; tập trung phát triển các loại hình chức năng có liên kết chặt chẽ với địa bàn liền kề (Hưng Yên, Hà Nam...); xây dựng chuỗi đô thị - công nghiệp gắn các hành lang giao thông và vành đai vùng Thủ đô Hà Nội; thu hút hoạt động công nghiệp, dịch vụ, đô thị.
Không gian kinh tế - xã hội phía Nam (gồm phần lớn huyện Kiến Xương và phía Nam huyện Vũ Thư) tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, dịch vụ, văn hóa và tiếp nhận sự kết nối lan tỏa mở rộng không gian kinh tế về phía tỉnh Nam Định thông qua tuyến đường bộ ven biển và một số tuyến đường khác sắp được xây dựng.
Liên kết không gian hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh thông qua 3 hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế ven biển phía Đông; Hành lang kinh tế Đông Bắc - Tây Nam và Hành lang kinh tế Tây Bắc gắn với đường Vành đai 5 Vùng Thủ đô.
Thái Bình phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 13,4%/năm (trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 18%/năm; dịch vụ tăng 12%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,2%/năm). Đến năm 2030, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 62,1%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 9,1%; ngành dịch vụ chiếm khoảng 28,8% cơ cấu nền kinh tế; GRDP bình quân đầu người tương đương với bình quân chung của cả nước./.