Văn hóa

Gắn kết du lịch với văn hóa địa phương: * Bài cuối: Bám sát chiến lược quy hoạch ngành

TP. Hồ Chí Minh

Chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 và những năm tiếp theo sẽ tập trung đảm bảo nhu cầu phát triển ngành, cũng như kinh tế - xã hội của Thành phố.

Căn nhà ở số 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh là một cơ sở cách mạng được đưa vào khai thác du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước trong hành trình tour du lịch tại thành phố. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

TTXVN - Chính quyền và ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định du lịch là ngành kinh tế đa ngành, không phân định "ranh giới hành chính", cộng với xu hướng hội nhập... đang tạo ra những cơ hội lớn, nhưng đồng thời cũng có nhiều thách thức cạnh tranh. Với bối cảnh và xu thế phát triển mới, nhất là hậu dịch COVID-19, chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 và những năm tiếp theo sẽ tập trung đảm bảo nhu cầu phát triển ngành, cũng như kinh tế - xã hội của Thành phố.

* Định hướng thương hiệu du lịch văn hóa

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 2767/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa. Cụ thể, thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam được định vị dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường đón nhận tích cực. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, du lịch văn hóa chiếm 20%-25% trong tổng số khoảng 130 tỷ USD tổng thu từ khách du lịch.

Khách quốc tế tham quan bên ngoài trụ sở HĐND, UBND Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sự liên kết giữa du lịch và văn hóa ngày càng sâu sắc; đồng thời xu thế toàn cầu hóa đòi hỏi phải thúc đẩy sự bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nhất là bản sắc và sự khác biệt của văn hóa của mỗi quốc gia. Vai trò của du lịch văn hóa ngày một quan trọng hơn vì du lịch văn hóa đã tăng thêm việc làm ở những vùng có tài nguyên văn hóa, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt, nếu đưa yếu tố văn hóa vào các sản phẩm du lịch sẽ làm tăng sự hấp dẫn, nâng cao giá trị của chuỗi sản phẩm du lịch tại địa phương, cũng như quốc gia.

Xác định vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển ngành. Cụ thể, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng, chủ lực; tập trung nâng chất chuỗi sự kiện và biến sự kiện trở thành sản phẩm quảng bá và thu hút du khách quốc tế đến Thành phố. Ngành đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á, nơi du khách được trải nghiệm những giá trị khác biệt của di sản văn hóa, di tích lịch sử và con người địa phương của một thành phố thông minh.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế dịch vụ trọng yếu của Thành phố không chỉ nhằm khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của thành phố, mà còn thúc đẩy các ngành khác như văn hóa cùng phát triển. Đồng thời, ngành Du lịch có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế của nhiều địa phương tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là sự phát triển của chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ liên vùng. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Du lịch chủ trì, phối hợp cùng sở ngành, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, thiết thực thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch. Trong đó, ngành Du lịch Thành phố phải xây dựng và hình thành nhiều điểm đến cho thị trường du lịch, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn.

Để hiện thực hóa chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và chiến lược ngành Du lịch nói chung, ngành Du lịch Thành phố phấn đấu hoàn thiện Bộ sản phẩm du lịch với các chương trình du lịch đặc trưng của thành phố theo chủ đề “Sài Gòn xưa và nay”, “Cảm xúc Sài Gòn” và “Năng động Sài Gòn”, cũng như triển khai phát huy chuỗi sản phẩm du lịch kết nối di sản văn hóa, lịch sử chủ lực.

Trong đó, lần đầu tiên, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức chương trình tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày 29 - 30/4/2023 nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và dự kiến lên kế hoạch triển khai định kỳ trong thời gian tiếp theo. Chương trình tham quan này, giới thiệu lịch sử hình thành, phát triển của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu Thành phố Hồ Chí Minh và chính quyền thành phố thân thiện, cởi mở. Đây còn là hoạt động trong định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với di sản văn hóa, lịch sử, góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước.

* Sản phẩm du lịch đặc trưng

Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh là vùng đất lịch sử, văn hóa vô cùng độc đáo và ấn tượng bởi nhiều lớp giá trị không chỉ tồn tại với hình hài những công trình kiến trúc, hiện vật hữu hình, mà tài sản còn chính từ những câu chuyện đặc sắc, những con người đã gắn liền với vùng đất này. Bên cạnh đó, đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch được đổi mới sáng tạo không ngừng chính là sức hút du khách trong và ngoài nước đến với Thành phố Hồ Chí Minh lưu trú, tham quan kết hợp trải nghiệm không khí sôi động ở “thành phố không ngủ”.

Tuy vậy, tài nguyên du lịch chỉ mãi là tài nguyên nếu như không được đầu tư, khai thác, trùng tu, quản lý và kết nối thành tour tuyến, sản phẩm du lịch. Do đó, chương trình “mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” ra đời tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy là một trong những điểm sáng trong nỗ lực thực hiện tốt vai trò là trung tâm du lịch lớn nhất nước, với chuỗi sản phẩm mới tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc gắn liền với sự phát triển của Sài Gòn - Gia Định và nhịp sống hiện đại của Thành phố Hồ Chí Minh.

Giải pháp này thực sự đã phát huy thế mạnh, bản sắc của du lịch của các quận, huyện và thành phố Thủ Đức; thúc đẩy yếu tố liên kết vùng, sự cộng đồng trách nhiệm của sở, ngành, quận, huyện, doanh nghiệp. Chương trình tạo nên một phòng trào thi đua trong công tác quản lý nhà nước về du lịch giữa các địa phương; đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ, phối hợp đồng điệu giữa các ngành.

Đồng thời, chương trình đã khởi xướng cho một trào lưu về trải nghiệm, khám phá du lịch thành phố với bao điều mới lạ; tạo nên bức tranh du lịch thành phố sống động với hơn 60 sản phẩm du lịch, trong đó hơn 30 sản phẩm du lịch mới của các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Hiện tại, nhiều sản phẩm du lịch mới đã triển khai tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá khả quan vì hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ngay chính người dân của các địa phương cũng ngạc nhiên vì sự thú vị của những câu chuyện kể, nét đặc sắc của đa dạng điểm đến ngay trên vùng đất họ sinh sống và làm việc.

Theo đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin Quận 11, nhằm nỗ lực cải thiện môi trường du lịch hướng đến phát triển bền vững, đơn vị này đã tham mưu Ủy ban nhân dân Quận tổ chức kết nối với các quận lân cận như Quận 5, Quận 6 hoạt động du lịch liên tuyến thúc đẩy nhu cầu du lịch. Hoạt động liên kết giữa Quận 11 và các quận này có ý nghĩa quan trọng, vì đây là liên kết giữa địa phận ba quận sở hữu di tích lịch sử hình thành lâu đời, nhiều con phố in thời gian, nền ẩm thực đa dạng, thương mại sầm uất...

Công viên Bạch Đằng mới được cải tạo, nằm ngay phố đi bộ Nguyễn Huệ, là nơi vui chơi giải trí dành cho người dân và du khách. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Với những du khách mới đến Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm thành phố thường là Quận 1 với những cái tên quen thuộc như Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Di tích lịch sử Dinh Độc Lập, tòa tháp Bitexco 68 tầng... , trong ký ức những người dân sinh sống tại Quận 5,6,11 xem Chợ Lớn là trung tâm thứ hai của Thành phố, bởi hàng trăm năm qua gắn liền với chiều dài văn hóa, lịch sử và con người Sài Gòn, cũng như có nhiều điểm đến mang dấu ấn Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).

Ở góc độ quảng bá điểm đến và quản lý du lịch, cộng đồng doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, các sản phẩm này bước đầu thành công vì du khách hay người dân Thành phố theo thông tin truyền thông, mạng xã hội... nên quan tâm, tự tìm đến là chủ yếu. Về lâu dài, các sản phẩm du lịch quận, huyện còn rất nhiều việc phải làm mới nếu muốn thực sự thu hút và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân và địa phương.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing, Công ty du lịch TST Tourist cho rằng, liên kết đa ngành tạo chiều sâu và chất lượng sản phẩm sẽ giúp ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nâng tầm tính chuyên và khác biệt trong khai thác lợi thế cạnh tranh. Để hấp dẫn hơn nữa sản phẩm du lịch nội đô và xây dựng thương hiệu Thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm đến ấn tượng, ngành Du lịch cần chuyên nghiệp hóa và đi vào chiều sâu sản phẩm du lịch liên quận, huyện và giữa các địa phương./. (Hết)

Mỹ Phương

Tin liên quan

Xem thêm