Văn hóa

Gắn kết du lịch với văn hóa địa phương: * Bài 2: Thay "áo mới" cho điểm đến văn hóa, lịch sử

TP. Hồ Chí Minh

Các sản phẩm, tour tuyến du lịch liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố và nhiều khu vực trên cả nước đã kết nối hành trình di sản văn hóa, lịch sử dân tộc.

Căn nhà số 113A Đặng Dung, là một cơ sở cách mạng được giữ gìn, bảo tồn và khai thác bởi chính những người là con cháu, thế hệ sau của các chiến sỹ “Biệt động Sài Gòn” từ căn hầm bí mật trong chiếc tủ áo, hòm thư bí mật...(Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 185 di tích được xếp hạng, nên tiềm năng và dư địa khai thác phát triển du lịch di sản văn hóa còn rất lớn. Sở Du lịch Thành phố triển khai chương trình mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng, có thể thấy điểm đến ở các quận, huyện trong chương trình chú trọng khai thác hiệu quả di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc phục vụ du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch Thành phố. Các sản phẩm, tour tuyến du lịch liên kết vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố và nhiều khu vực trên cả nước cũng đã tăng cường kết nối hành trình di sản văn hóa, lịch sử dân tộc.

* Đưa "địa chỉ đỏ" vào sản phẩm du lịch

Ghi nhận thực tế trên địa bàn Quận 1, địa phương này đang khai thác nhiều tour tuyến du lịch nội đô phục vụ công chúng và du khách, trong đó sản phẩm tour du lịch “Ký ức Biệt động Sài Gòn” tìm hiểu về lực lượng Biệt động Sài Gòn đã và đang tạo được sức hút đối với du khách trong và ngoài nước.

Tham gia hành trình tour này, công chúng và du khách được trở về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Thành phố nói riêng qua nhiều câu chuyện kể chiến đấu anh dũng của lực lượng Biệt động Sài Gòn thông qua một số “nhân chứng sống”. Công chúng và du khách ngược dòng thời gian trở lại những địa điểm lịch sử của Biệt động Sài Gòn như Di tích lịch sử Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh Thành phố Hồ Chí Minh; Hộp thư bí mật và hầm nổi tại quán cà phê Đỗ Phủ; Nhan Hương quán tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn...

Theo bà Mai Thị Hồng Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 1, địa phương đang nỗ lực khai thác những điểm đến đặc trưng, nhất là di sản văn hóa, lịch sử như "địa chỉ đỏ" gắn liền với Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để giới thiệu đến công chúng và du khách. Du lịch địa phương hướng đến mục tiêu kép, là vừa thúc đẩy du lịch phát triển; vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử hào hùng của dân tộc gắn với hành trình xây dựng và phát triển của thành phố mang tên Bác.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Thành phố Hồ Chí Minh) được mệnh danh là “Bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á”. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Thành phố còn có những "địa chỉ đỏ", điểm đến gắn liền với các chiến tích hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, điển hình là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được mệnh danh là “Bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á”, một trong những điểm đến thu hút khách tham quan vì đây là nơi lưu trữ và trưng bày 20.000 tài liệu, hiện vật quý về chiến tranh của dân tộc Việt Nam. Tại sân Bảo tàng, bộ sưu tập khí tài hạng nặng như chiến xa, xe tăng, máy bay, các khẩu đại pháo... được trưng bày.

Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, hiện nay có hai phân khu trưng bày, gồm khu ngoài trời trưng bày bộ sưu tập pháo phòng không của các đơn vị tham gia trong chiến dịch và bộ sưu tập xe quân sự, tượng đài chiến thắng 30/4; khu trong nhà trưng bày hàng trăm hiện vật gốc, ảnh tài liệu và tài liệu khoa học. Đặc biệt, Bảo tàng còn trưng bày hai bảo vật quốc gia: Sổ trực ban tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh do các sĩ quan làm nhiệm vụ trực ban tác chiến của Bộ Chỉ huy Tiền phương Chiến dịch tại Căm Xe, tỉnh Bình Dương và Tấm bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh” (phục chế) do Phòng Tác chiến Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam sử dụng từ ngày 15/4 đến ngày 21/4/1975 tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh ở Tà Thiết (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).

Bạn Nhã Linh (sinh viên năm 3, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá, nếu đến với những địa chỉ đỏ, di sản văn hóa, lịch sử... bằng những tiết học hay tham gia ngoại khóa, khó thu hút được học sinh, sinh viên và giới trẻ. Tuy nhiên, những điểm đến này phát triển thành hành tour du lịch trải nghiệm, không chỉ hấp dẫn công chúng và du khách, mà còn truyền cảm hứng, tạo động lực cho giới trẻ tìm về với cội nguồn dân tộc, lịch sử hào hùng đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Anh Quốc Huy, du khách đến từ Hà Nội cho biết, trước đây mong muốn tham quan nhiều điểm đến văn hóa, lịch sử miền Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, nhưng việc tự thiết kế hành trình gặp nhiều khó khăn. Do đó, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tung ra thị trường nhiều sản phẩm tour tuyến nội đô tìm về di sản văn hóa, lịch sử đã giúp công chúng và du khách đến thành phố dễ dàng lựa chọn điểm đến phù hợp và trải nghiệm hành trình trọn vẹn hơn.

*Xây dựng tour tuyến văn hóa, lịch sử liên vùng

Không dừng lại ở đa dạng hành trình tour nội đô tìm về với những "địa chỉ đỏ", sản phẩm tour tuyến liên vùng, khu vực ngoại ô của Thành phố Hồ Chí Minh đã chú trọng đi qua di sản văn hóa, lịch sử, nhất là điểm đến ghi dấu ấn sự kiện Ngày miền Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất đất nước (30/4/1975). Điển hình, nằm ở phía Tây Bắc Thành phố, vùng đất Củ Hóc Môn được xem như là một điểm tập kết lực lượng, vũ khí quan trọng của cánh quân Tây Bắc của Chiến dịch Hồ Chí Minh tiến công vào đầu não của Mỹ - ngụy ở trung tâm Sài Gòn.

Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) đã được được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 30/12/2002 và được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch, xây dựng thành địa điểm du lịch truyền thống để nhớ về một thời kỳ ác liệt.

Khu bếp Hoàng Cầm trong Địa đạo Củ Chi. (Ảnh: Lê Minh/VNP)

Từ đây, du khách xuôi dòng lịch sử về khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi) là một kỳ quan về nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam, thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của con người vùng "đất Thép", một trong những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, gồm: Địa đạo Bến Dược (Căn cứ Quân khu Sài Gòn - Gia Định (khu A); Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (khu B) và Địa đạo Bến Đình (căn cứ Huyện ủy Củ Chi). Hiện nay, Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, chủ nghĩa yêu nước, tri ân công ơn to lớn của các Anh hùng, Liệt sỹ, đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Từ vùng đất Củ Chi anh hùng - một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng của Thành phố, các tuyến du lịch hấp dẫn cũng đã được xây dựng nối liền giữa các điểm đến từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Tây Ninh, vùng căn cứ cách mạng với "trụ sở" làm việc của các cơ quan Trung ương Cục miền Nam. Cụ thể, sản phẩm tour du lịch “Màu xanh trên vùng đất Thép - Tây Ninh những điều mới lạ” được ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh triển khai có hành trình tour đi qua Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Ngã Ba Giồng - Địa đạo Củ Chi - Vườn Di sản ASEAN (Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát) - Trung ương Cục miền Nam - núi Bà Đen.

Theo đó, vượt qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh tiến vào tỉnh Tây Ninh, du khách tiếp tục được tìm hiểu về Vườn Di sản ASEAN (Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát), là một trong 10 Vườn Di sản ASEAN của cả nước. Bên cạnh những giá trị về đa dạng sinh học, địa bàn Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát còn là Di tích lịch sử gắn liền với những chiến thắng hào hùng của dân tộc. Nơi đây đã ghi dấu nhiều chứng tích quan trọng của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ như Căn cứ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam, Đài Phát thanh Giải phóng và Xưởng Phim Giải phóng...

Theo ông Võ Thanh Tùng, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Tây Ninh, trước đây, tỉnh bị coi là "đường cụt". Giờ đây, Tây Ninh sẽ trở thành "cửa ngõ" của các điểm đến khi là tỉnh duy nhất tại Việt Nam có nhiều cửa khẩu nhất. Hiện các điểm lưu trú tại Tây Ninh đang ngày càng mở rộng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, từ bình dân tới cao cấp. Hành trình văn hóa, lịch sử liên vùng, khám phá du lịch Tây Ninh còn có những điểm đến độc đáp như Nóc nhà Nam Bộ núi Bà Đen - Đệ nhất Thiên Sơn cao 986 m; Hồ nhân tạo Dầu Tiếng lớn nhất Đông Nam Á, diện tích mặt nước 270 km2; Nhà ga cáp treo Bà Đen lớn nhất thế giới có tổng diện tích 10.959 m2; Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh lớn nhất của đạo Cao Đài... Đặc biệt, Tây Ninh đã xác lập hai kỷ lục là “Tượng Phật bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi” do tổ chức Kỷ lục châu Á trao tặng và “Tượng Phật bà bằng đồng cao nhất Việt Nam tọa lạc trên đỉnh núi” được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng./.

Bài 3: Khai thác hiệu quả tài nguyên bản địa

Mỹ Phương

Tin liên quan

Xem thêm