Đáng trân trọng hơn, vì lợi ích chung của cộng đồng, trong danh sách hiến đất làm đường có đến 3 hộ nghèo, cận nghèo.
TTXVN - Để xây dựng làng, xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã ý thức được lợi ích chung và tự nguyện hiến đất, cùng chính quyền địa phương mở những con đường, góp phần tạo bộ mặt nông thôn ngày một khang trang.
Chỉ xuống con đường bê tông nối từ làng về khu sản xuất, ông Ksor Jinh (sinh năm 1950, làng Myah, xã Ia Krái, huyện Ia Grai) chia sẻ, trước đây, con đường mòn đất trơn trợt. Mùa mưa, bà con di chuyển khó khăn, học sinh đến trường vất vả, nhiều hôm cả cha mẹ và con cái bị ngã xuống ruộng. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân mong muốn Nhà nước làm cho bà con một cong đường kết nối làng với xã. Bản thân là già làng, ông đã hiến 100 m đất mặt đường. Ngoài ra, bằng uy tín của mình, ông đã vận động người dân có đất tại mặt đường hiến đất để giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước sớm đầu tư con đường vào làng. Nhờ đó, bà con hai bên đường đều đồng thuận. Lúc đầu có những hộ dân chưa thống nhất hiến đất nhưng sau được phân tích về lợi ích chung, mọi người đều vui vẻ đồng ý. Đáng trân trọng hơn, vì lợi ích chung của cộng đồng, trong danh sách hiến đất làm đường có đến 3 hộ nghèo, cận nghèo sẵn sàng chặt bỏ hàng chục cây cà phê, điều đang trong giai đoạn thu hoạch.
Giờ đây, con đường nối ngôi làng đặc biệt khó khăn Myah đã được bê tông hóa cùng 2 tuyến đường khác với chiều dài hơn 1 km, kinh phí gần 1,2 tỷ đồng. Nhờ đó, việc chuyên chở nông sản được thuận lợi, học sinh đến trường an toàn, bà con vui tươi, phấn khởi.
Tại làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai), đầu năm 2023, địa phương cũng được đầu tư xây dựng một con đường bê tông dài 800 m. 20 hộ dân đã tự nguyện chặt 300 cây điều đang trong thời kỳ thu hoạch để giải phóng mặt bằng, cùng Nhà nước làm con đường kết nối từ xã về làng.
Già Rơ Châm H'MonH (già làng uy tín làng Nú, xã Ia Khai) cho hay, để chặt bỏ diện tích điều đang thu hoạch, đối với bà con là điều rất tiếc. Tuy nhiên, để thuận tiện hơn trong việc di chuyển, vận chuyển nông sản và con cái được đến trường, ông đã vận động bà con nghĩ đến lợi ích chung. Để làm gương, ông đã tự nguyện chặt trước 19 cây điều hiến đất cho Nhà nước làm đường vào làng. Do khó khăn, nhiều gia đình không muốn chặt điều nhưng sau khi được phân tích nhiều lần, mọi người đã đồng thuận. Thay mặt bà con làng Nú, già H'MonH cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm, đầu tư con đường cho bà con để thuận tiện trong đi lại và kết nối giao thương.
Bà Nguyễn Mai Lương, Chủ tịch UBND xã Ia Khai, huyện Ia Grai cho biết, việc mở rộng tuyến đường nội thôn, nội đồng sẽ lấn vào đất của một số hộ dân. Trước thời điểm triển khai thi công, cán bộ xã đã tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích cho bà con hiểu rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước. Việc sớm mở rộng các tuyến đường trong làng, đường nội đồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại, vận chuyển nông sản. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động từ tuyến cơ sở, tất cả bà con đều đồng thuận hiến đất, mở đường theo chủ trương của Nhà nước.
Đến xã Ia Tô, huyện Ia Grai, ông Puih Glang, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Del kể lại, khi mở đường, hộ ông Siu Giới và ông Puih Blung, mỗi nhà có hơn 100 m tường rào xây dựng kiên cố buộc phải phá bỏ. Lúc đầu, hai ông này không đồng ý. Sau khi được ông và bà con trong buôn động viên, phân tích, ông Siu Giới và Puih Blung đã đồng thuận phá dỡ tường rào để làm đường vì lợi ích chung. Không những hiến đất, phá tường rào, bà con thôn Del còn tự nguyện đóng góp 300 - 400 ngàn đồng/công trình để đạt tiêu chí về giao thông. Nhờ đó, 4 tuyến đường làng có chiều dài hơn 2 km nhanh chóng hoàn thành bởi sự đồng lòng, chung sức của người dân làng.
Theo ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở xác định, huy động tối đa sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đến nay, hệ thống đường giao thông trên địa bàn đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại; đời sống của nhân dân được nâng lên; bộ mặt nông thôn có sự thay đổi. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền.
Huyện Ia Grai đã xây dựng đề án Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo vận động nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 - 2025 với quyết tâm phấn đấu năm 2025 địa phương sẽ về đích nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Lãnh đạo, cán bộ, đảng viên trên đại bàn huyện Ia Grai đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc nêu gương, thực hiện trước, làm cho dân thấy, dân tin và đồng lòng chung sức cùng hệ thống chính trị thực hiện chủ trương với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Huyện phấn đấu đến 2025 vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường huyện, đường xã, đường thôn và đường ngõ xóm tổng chiều dài từ 200 km trở lên. Đề án cũng nêu rõ quan điểm, sẽ ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư các tuyến đường được nhân dân đồng thuận có “mặt bằng sạch” và không đầu tư mở rộng, làm mới các tuyến đường giao thông nếu phạm vi tuyến đường có hộ dân không đồng tình hiến đất, cây cối, hoa màu, tài sản trên đất.
Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện ước tính đã vận động nhân dân hiến được trên 20.000 m2 đất; trong đó, xã Ia Yok 4.000 m2; xã Ia O trên 7.000 m2.
Những con đường ý Đảng - lòng dân tại tỉnh Gia Lai đã mở ra cơ hội giao thương, kết nối văn hóa, xã hội giữa các thôn, làng vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số với vùng thuận lợi. Người dân đồng lòng, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng để đời sống bà con dần ổn định nơi vùng đất Tây Nguyên anh dũng, kiên cường./.