Nhằm tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt chủ trương đầu tư, nâng cấp 59 Trạm Y tế tuyến xã.
TTXVN - UBND tỉnh Gia Lai vừa phê duyệt hai dự án đầu tư xây mới, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở y tế trên địa bàn. Đây là hai trong 59 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2022.
Theo đó, hai dự án được phê duyệt mới đây là dự án đầu tư nâng cấp và mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ, tổng kinh phí đầu tư 52 tỷ đồng (thời gian thực hiện năm 2022-2023); dự án đầu tư xây mới và mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Gia Lai, tổng kinh phí đầu tư 120 tỷ đồng (thời gian thực hiện từ năm 2022-2023).
Đại diện Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết, nhằm tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư, nâng cấp 59 Trạm Y tế tuyến xã. Trong đó, tỉnh dự kiến xây mới, mua sắm trang thiết bị cho 22 Trạm; cải tạo, mở rộng và mua sắm trang thiết bị cho 37 Trạm. Hiện nay, ngành chức năng đang làm thủ tục để trình cấp thẩm quyền phê duyệt dự án còn lại.
Trước đó, phóng viên TTXVN đã có những lần khảo sát thực tế, nhận thấy hàng chục cơ sở y tế ở Gia Lai đã bị xuống cấp. Nhiều nơi tường thấm nước, mái dột, nứt tường.
Hai mươi ba năm trước, Trạm Y tế xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh (Gia Lai) được xây dựng, đưa vào sử dụng. Cơ sở này được xây dựng trên diện tích 187 m2 với các hạng mục nhà làm việc, khu vệ sinh, cổng, hàng rào, sân bê tông. Hiện, một số vị trí như mái, tường, trụ bị thấm nước, rêu mốc, sân bê tông bong tróc, nứt gãy, đọng nước…
Theo bà Phạm Thị Minh, nhân viên Trạm Y tế xã Nghĩa Hưng, từ khi xây dựng đến nay, Trạm được sửa nhiều lần nhưng hiện tôn đã mục, khi mưa xuống nước chảy thẳng vào phòng làm việc, hư hỏng nhiều vật dụng... Bà bày tỏ lo ngại việc trạm xuống cấp sẽ không thu hút bệnh nhân đến khám.
Huyện biên giới Đức Cơ hiện có 10 trạm y tế cấp xã và Trung tâm y tế huyện. Theo UBND huyện, Trung tâm Y tế huyện được đầu tư, đưa vào sử dụng 12 năm qua. Tới nay, tường bị mốc và bong tróc, thấm dột trần vào mùa mưa, ảnh hưởng lớn đến công tác vệ sinh và kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Ngoài ra, trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật đang dần xuống cấp, không đảm bảo khả năng phục vụ cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đối với 10 trạm y tế, ngoài Trạm Y tế xã Ia Kla còn sử dụng tốt vì mới xây dựng, các trạm còn lại hầu hết đã xuống cấp, cần sửa chữa.
Ông Siu Luynh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết, việc cơ sở y tế xuống cấp gây khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh. Người dân phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên, gây khó khăn về kinh phí, thời gian đi lại. Ở một số trạm y tế, vào mùa mưa, nền nhà bị ngập, tường mốc, nguy cơ rò rỉ điện.
Huyện Chư Prông có hai Trạm Y tế xã Ia Vê và Bình Giáo do xây dựng đã lâu, diện tích nhỏ, hiện xuống cấp, không đảm bảo cho bệnh nhân đến điều trị. Địa phương này đã có văn bản kiến nghị ngành chức năng khẩn trương đầu tư để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Gia Lai là tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, diện tích tự nhiên 15.536,9 km2, dân số 1.563.788 người, trong đó hơn 46% là người dân tộc thiểu số. Có thể thấy, việc phê duyệt các dự án nhằm giúp các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện tốt chuyên môn, đặc biệt là công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, để đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho Gia Lai, đặc biệt là đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, giúp người dân sớm tiếp cận các dịch vụ y tế tốt nhất ngay tại địa phương./.
- Từ khóa:
- Gia Lai
- cơ sở y tế
- dân tộc thiểu số