Giáo dục

Giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở Đồng Nai

Đồng Nai

Tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 25.500 giáo viên đang công tác trong các cơ sở giáo dục công lập từ Mầm non đến Trung học Phổ thông, trong khi theo định mức cần có gần 28.000 giáo viên, như vậy thiếu gần 2.500 giáo viên.

Một điểm trường ở xa trung tâm xã. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

TTXVN - Ngày 2/6, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã làm việc với Sở Giáo dục - Đào tạo và các sở, ngành về tình hình thiếu giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, hiện có tổng số hơn 25.500 giáo viên đang công tác trong các cơ sở giáo dục công lập từ Mầm non đến Trung học Phổ thông, trong khi theo định mức cần có gần 28.000 giáo viên. Như vậy, thiếu gần 2.500 giáo viên, nhiều nhất là ở cấp Tiểu học gần 1.000 người, Trung học Cơ sở hơn 600 người, Mầm non gần 600 người…

Tại buổi làm việc, các đơn vị, trường học cho biết, nguyên nhân thiếu giáo viên là do thu nhập ngành này chưa hấp dẫn so với các ngành nghề khác. Nhiều trường ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa ngày càng khó tuyển dụng, nhất là giáo viên Mầm non. Do đó, các địa phương kiến nghị tỉnh cần có thêm chính sách đãi ngộ riêng đối với giáo viên, như vậy sẽ thuận lợi cho việc giữ chân, thu hút tuyển dụng giáo viên.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, việc có đủ giáo viên là mục tiêu quan trọng để phát triển giáo dục ổn định, chất lượng và bền vững. Vì vậy, địa bàn nào thiếu giáo viên phải tuyển đủ. Nếu tuyển mà vẫn thiếu, địa phương cần bổ sung thêm hợp đồng, xem xét tăng giờ dạy của giáo viên.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nêu rõ, biên chế giáo viên đã được giao cho các địa phương. Địa bàn nào không tuyển đủ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phụ trách lĩnh vực đó phải chịu trách nhiệm. Để làm được điều này, lãnh đạo các địa phương phải đến trường sư phạm tìm nguồn tuyển; thường xuyên thăm hỏi, động viên thầy cô bám trường, bám lớp. Các địa phương cần coi trọng giáo viên Mầm non (từ trình độ chuyên môn đến chế độ chính sách) để họ cống hiến và làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Với thu nhập hiện nay, giáo viên Mầm non khó có thể an tâm làm việc.

Sở Giáo dục - Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ giáo viên; trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét thông qua trước khai giảng năm học mới 2023 - 2024 để giáo viên an tâm, phấn khởi.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị, các ngành, địa phương không được lấy giáo viên sang công tác ở các lĩnh vực khác trong hệ thống chính trị cho đến khi có đủ giáo viên; cần tính toán đào tạo có địa chỉ, đào tạo tại chỗ. Cấp ủy, chính quyền các địa phương phải tính toán để cử con em là người địa phương đi đào tạo. Ngoài ra, các địa phương có thể xem xét những giáo viên đến tuổi về hưu nhưng còn sức khỏe để vận động họ ở lại tiếp tục giảng dạy; có cơ chế tự chủ tài chính một phần cho các cơ sở giáo dục để tăng thêm thu nhập cho giáo viên./.

Lê Xuân

Xem thêm