Ngoài thiếu giáo viên, các cơ sở giáo dục còn thiếu chức danh khác như: nhân viên văn thư, kế toán, thư viện, y tế…
TTXVN - Chiều 12/5, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu về tình hình giáo dục - đào tạo trên địa bàn. Tiếp và làm việc với Đoàn có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Ái Nam; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều.
Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết, tính đến cuối tháng 4/2023, Bạc Liêu có 287 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Toàn tỉnh có 9.722 công chức, viên chức và người lao động cùng 162.368 học sinh, học viên với 4.768 nhóm, lớp.
Nhìn chung, sự nghiệp giáo dục của tỉnh thời gian qua phát triển ổn định, đội ngũ công chức, viên chức, người lao động có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh còn một số khó khăn. Cụ thể, số trường quy mô nhỏ còn nhiều, nhất là cấp học mầm non; tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường còn thấp so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia dù đạt và vượt chỉ tiêu đề ra nhưng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 ban hành Quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở vật chất của các trường học trên địa bàn tỉnh hầu hết chưa đáp ứng tiêu chuẩn mới.
Đội ngũ giáo viên còn thiếu so với định mức; việc tuyển dụng bổ sung giáo viên chưa đáp ứng kịp yêu cầu, dẫn đến khó khăn trong bố trí giáo viên, nhất là giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ngoài thiếu giáo viên, các cơ sở giáo dục thiếu chức danh khác như: nhân viên văn thư, kế toán, thư viện, y tế… nhưng không thể tuyển dụng được do năm 2015, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2378/VPCP-KGVX về việc tạm dừng việc tuyển viên chức ở vị trí nhân viên tại các cơ sở giáo dục Mầm non, Phổ thông công lập, đến nay, chưa có văn bản chỉ đạo cho tuyển dụng vị trí nhân viên.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên, tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo trước mắt cho vận dụng linh hoạt các Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT, 14/2020/TT-BGDĐT trong việc kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với các trường xây dựng theo tiêu chuẩn cũ trước đây.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành văn bản hướng dẫn đảm bảo thống nhất số tuần dành cho việc giảng dạy, hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục phổ thông, bởi theo quy định tại Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 dành “37 tuần cho giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học” nhưng từ năm học 2020 - 2021, Bộ đã điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học phải đảm bảo có 35 tuần thực học.
Về quản lý dạy thêm, học thêm, tỉnh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành văn bản quy định về dạy thêm, học thêm nhằm giúp các địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động này trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, thành viên trong Đoàn công tác và tỉnh Bạc Liêu đã trao đổi, làm rõ nhiều vấn đề nhằm giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt hơn công tác giáo dục - đào tạo thời gian tới.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết luôn quan tâm đến công tác giáo dục ở 3 khu vực gồm vùng núi phía Bắc, Tây nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long bởi đây là những khu vực giáo dục còn khó khăn. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng cho rằng, trong hơn 10 năm qua có bước phát triển rất mạnh mẽ tuy nhiên cần có ưu tiên đầu tư, từ đó làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực này.
Đánh giá về lĩnh vực giáo dục của tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, Bạc Liêu là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực giáo dục của tỉnh có sự phát triển vượt bậc, đặt biệt là luôn ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, mua sắm trang thiết bị trường học, từ đó cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với giáo dục và đào tạo.
Đề cập chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ trưởng cho rằng, lãnh đạo tỉnh cũng như phụ huynh học sinh cần quan tâm, hỗ trợ để chương trình giáo dục phổ thông mới thành công. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ để giáo dục - đào tạo địa phương phát triển, góp phần giúp Bộ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, ngành Giáo dục đang ở thời điểm nước rút, trọng tâm triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, do đó cần được quan tâm, tạo điều kiện đầu tư để phát triển một cách toàn diện./.
- Từ khóa:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo
- làm việc
- Bạc Liêu