Năm 2024, 100% cơ sở giáo dục ở các bậc học, cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó 50% cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông có thư viện đạt chuẩn theo quy định; 90% thư viện công cộng có vốn tài liệu tổng hợp đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng, trong đó có bộ phận phục vụ thiếu nhi và người khuyết tật.
TTXVN - Nhằm khơi dậy niềm đam mê, tăng cường thói quen đọc sách cho học sinh, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án xây dựng không gian đọc sách mở và thân thiện trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2024.
Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu, phấn đấu đến năm 2024, 100% cơ sở giáo dục ở các bậc học, cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó 50% cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông có thư viện đạt chuẩn theo quy định; 90% thư viện công cộng có vốn tài liệu tổng hợp đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng, trong đó có bộ phận phục vụ thiếu nhi và người khuyết tật.
Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 271 tỷ đồng, trong đó, gần 190 tỷ đồng dự kiến chi từ nguồn vốn đầu tư công ngân sách nhà nước cấp tỉnh, hơn 81 tỷ đồng huy động từ các nguồn khác (ngân sách cấp huyện, nguồn xã hội hóa).
UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu về việc xây dựng không gian đọc sách mở, thân thiện tại các trường học, theo Đề án, việc bố trí cần nghiên cứu kết hợp với không gian cây xanh hiện có, không gian khu vui chơi tạo thành một tổng thể thống nhất; phải có sự kết nối và liên hệ chặt chẽ với các khối lớp học, khu thư viện truyền thống để dễ dàng cho học sinh tiếp cận.
Các khối công trình xây dựng chỉ là một phần cấu thành của không gian này, chủ yếu ở dạng nhà lắp ghép, có quy mô là công trình cấp 4, đảm bảo an toàn cho học sinh và cộng đồng; hồ sơ thiết kế phải được các đơn vị tư vấn có năng lực hoạt động xây dựng theo quy định thẩm tra thiết kế về an toàn công trình trước khi thực hiện. Do tính chất đặc biệt của khí hậu miền Bắc, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu việc lựa chọn vật liệu chính sử dụng cho công trình xây dựng không gian đọc sách phải đảm bảo bền, an toàn, thân thiện với môi trường và phù hợp với cảnh quan sư phạm. Việc lựa chọn vật liệu cần được cơ quan có chuyên môn kiểm định trước khi đưa vào bản vẽ thiết kế thi công mẫu trình UBND tỉnh duyệt. Việc sử dụng vật liệu xây dựng và hình khối kiến trúc cũng cần có sự nghiên cứu về tỷ lệ, màu sắc, để đảm bảo phù hợp cho từng lứa tuổi, cấp học.
Năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư xây dựng thí điểm không gian đọc sách mở, thân thiện cho học sinh tại 27 điểm trường (trong đó: cấp Tiểu học 9 điểm trường, cấp Trung học Cơ sở: 9 điểm trường và Trung học Phổ thông: 9 điểm trường). Sau khi thực hiện thí điểm đầu tư năm 2023, cơ quan quản lý Đề án phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá, lập báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư dự án báo cáo UBND tỉnh làm căn cứ tiếp tục thực hiện triển khai diện rộng trên địa bàn tỉnh vào năm 2024.
Trước đó, năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng 3 mô hình không gian đọc sách mở và thân thiện theo hình thức xã hội hóa tại các trường: Tiểu học Thanh Trù, xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên; Tiểu học thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường; Trung học Phổ thông Tam Dương, huyện Tam Dương.
Hiện nay, địa bàn tỉnh có 145 trường Tiểu học, 132 trường Trung học Cơ sở, 16 trường liên cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở và 30 trường Trung học Phổ thông.
Hiện tại, 100% nhà trường đã có phòng thư viện (phòng đọc và kho sách, một phòng thư viện/trường), riêng khối Trung học Phổ thông có một số trường có nhà thư viện. Việc xây dựng bổ sung không gian đọc sách mở, thân thiện cho học sinh đối với 100% các trường phổ thông công lập của tỉnh giúp mở rộng không gian đọc sách, tăng thêm chức năng hoạt động học tập cho học sinh, làm phong phú, tiện ích và hiện đại cho cảnh quan chung của nhà trường. Việc nâng cấp hệ thống thư viện trường học với các tiêu chí mới để thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng./.