Giải Vô địch Thể dục nghệ thuật Quốc gia năm 2023 được tổ chức trở lại sau 3 năm gián đoạn
Diễn ra từ 20-26/11, giải lần này có sự góp mặt của hơn 30 vận động viên, huấn luyện viên đến từ 3 đơn vị gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương...
TTXVN - Ngày 24/11, Liên đoàn Thể dục Việt Nam tổ chức Giải Vô địch Thể dục nghệ thuật Quốc gia năm 2023.
Kể từ sau đại dịch COVID-19, đây là giải Thể dục nghệ thuật ở cấp quốc gia đầu tiên được tổ chức, do đó các đoàn tham dự đều có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng về chuyên môn.
Diễn ra từ 20-26/11 tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội, giải lần này có sự góp mặt của hơn 30 vận động viên, huấn luyện viên đến từ 3 đơn vị có sự đầu tư mạnh trong nhiều năm qua cho môn thể thao mang đậm tính nghệ thuật này gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương... Các vận động viên tranh tài ở 9 nội dung, gồm 5 nội dung cá nhân, 4 nội dung đồng đội.
Ngay sau lễ khai mạc, các vận động viên đã bước vào thi đấu vòng loại các nội dung đơn môn và thi 2 nội dung Chung kết là đồng đội và toàn năng cá nhân.
Kết quả, ở nội dung toàn năng, vận động viên Nguyễn Hà My (Hà Nội) đã giành được tổng điểm 106.300 qua đó đoạt Huy chương Vàng; Huy chương Bạc thuộc về vận động viên Ngô Hải Yến, Huy chương Đồng thuộc về vận động viên Nguyễn Trúc Phương (cùng đoàn Thành phố Hồ Chí Minh 1).
Ở nội dung đồng đội, đơn vị Hà Nội tham đã thi đấu xuất sắc và giành Huy chương Vàng với tổng điểm 247.850; Huy chương Bạc và Huy chương Đồng thuộc về đoàn Thành phố Hồ Chí Minh 1 với các điểm số lần lượt là 242.300 và 169.150.
Ngai mai (25/11) là ngày thi đấu cuối với 4 nội dung Chung kết cá nhân và Chung kết nhóm 5 người toàn năng; nhóm 5 người dụng cụ đơn và nhóm 5 người dụng cụ hỗn hợp.
Theo ông Bùi Trung Thiện – Phụ trách môn Thể dục, Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thể dục nghệ thuật là môn phổ biến trên thế giới, nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic và các giải quốc tế khác. Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng phát triển Thể dục nghệ thuật. Tuy nhiên, trên thực tế ở Việt Nam để phát triển bộ môn thể thao này theo hướng chuyên nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Bởi, do tính đặc thù, cần sự đầu tư trong quãng thời gian dài mới có được 1 vận động viên đỉnh cao. Để nâng cao trình độ chuyên môn, các vận động viên cần được tạo điều kiện cọ xát, thi đấu quốc tế. Thêm vào đó, kinh phí đầu tư cho bộ môn này khá tốn kém, thiếu nguồn huấn luyện viên có trình độ cao..., khiến các địa phương không mấy mặn mà trong việc đầu tư. Từ nhiều năm nay, ở các giải đấu toàn quốc chủ yếu là cuộc so tài của 3 đơn vị chính là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương./.