Xã hội

Giao lưu "Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật": Dũng cảm vượt qua thử thách

35 câu chuyện tình yêu, hôn nhân với nhiều cung bậc cảm xúc, thăng trầm, giông bão, vượt qua khó khăn trở ngại để đến được với nhau, cùng chia sẻ ngọt bùi cay đắng và hạnh phúc bên nhau.

Chương trình giao lưu "Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật" lần thứ IV, năm 2022 với chủ đề "Hạnh phúc Vầng trăng khuyết" đã diễn ra tối 11/10. Đây là hoạt động do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài và các đại biểu dự chương trình
BTC cung cấp

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và Hà Nội dự chương trình. Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của 35 cặp vợ chồng người khuyết tật tiêu biểu và các con của họ đến từ 33 tỉnh, thành trên cả nước do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát hiện, lựa chọn.

Tại chương trình, thông qua phóng sự và giao lưu trực tiếp, khán giả đã được gặp gỡ vợ chồng anh Đỗ Duy Hưng (sinh năm 1977, mất chân trái) và chị Đỗ Diệu Hương (sinh năm 1983, người không khuyết tật) ở thôn Tam Quy, xã Hà Tân, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1998, tốt nghiệp Trung học Phổ thông, anh Hưng nhập ngũ vào quân đội. Quá trình phấn đấu trở thành sĩ quan pháo binh, được phân công tác tại Tiểu đoàn Pháo binh 703. Trong chuyến công tác, anh bị tai nạn giao thông dẫn đến thương tật, tỷ lệ 71%. Năm 2002 anh quen chị Hương, lúc ấy mới 18 tuổi, là cô cán bộ Đoàn năng nổ. Tình yêu của anh chị gặp phải sự ngăn cấm của gia đình chị vì không tương xứng về hoàn cảnh, sức khỏe. Vượt lên tất cả, anh chị nắm chặt tay nhau, đồng lòng phát triển kinh tế, xây dựng hạnh phúc gia đình. Tính đến năm 2022, anh chị đã nuôi trên 80 đàn ong. Cùng với việc bán mật ong, anh Hưng còn mở lớp dạy nghề nuôi mật ong cho người khuyết tật khác trên địa bàn huyện

Nếu như anh Hưng, chị Hương phải trải qua bao ngăn cấm, rào cản mới đến được với nhau, câu chuyện tình yêu của một thanh niên sức khỏe yếu do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin và người con gái tật nguyền lại nhận được sự lo âu, trăn trở của đôi bên gia đình. Anh Chu Văn Tuận (sinh năm 1980) và chị Trần Thị Nhâm (sinh năm 1981), ở quê lúa Thái Bình đến với nhau dẫu thân thể không lành lặn. Cùng đồng cam, cộng khổ, dù đói nghèo, khó khăn vẫn bủa vây, họ vẫn nỗ lực dựng xây kinh tế gia đình. Sau 19 năm, hạnh phúc của họ không khuyết.

Cuộc sống có những điều kỳ diệu, dù điều diệu kỳ ấy lóe lên từ những biến cố, từ những mất mát và ranh giới mong manh giữa sống - chết. Đã gần 20 năm trôi qua, nhưng ký ức về ngày định mệnh thay đổi cuộc đời, số phận của anh Trần Văn Bộ (sinh năm 1979, bị liệt tứ chi) và chị Nguyễn Thị Linh (sinh năm 1983, người không khuyết tật) ở thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang vẫn như hiện ra trước mắt. Yêu thương trọn vẹn nghĩa tình, và những nguồn sống mới sinh sôi, chính là nguồn động lực lớn nhất để họ vươn lên, vượt khó. Từ số vốn 500.000 đồng, nhờ chăm chỉ, chịu khó, anh chị nâng dần số vốn và mở rộng kinh doanh. Từ cửa hàng 12m2, anh chị đã mở rộng 120m2 và 80m2 nhà kho. Năm 2018, anh chị đầu tư xây dựng mô hình siêu thị 540m2 với số vốn 5 tỷ đồng kinh doanh 3.000 mặt hàng phục vụ người dân. Tháng 5/2022, gia đình đã xây được ngôi nhà 4 tầng 180m2 trị giá 3 tỷ đồng.

Các đại biểu giao lưu tại chương trình
BTC cung cấp

Anh Lê Công Hoan (sinh năm 1972) hiện đang sinh sống tại Vũng Tàu đã gặp biến cố từ thuở nhỏ. Biến chứng từ cơn sốt bại liệt lúc 1 tuổi đã khiến chân phải của anh dần teo lại. Người bình thường đã khó, với những người khuyết tật lại càng khó hơn trên bước đường mưu sinh. Bằng bản lĩnh, sự kiên trì, anh vẫn vượt qua với đủ nghề khác nhau để vươn lên, tự khẳng định. Sau một thời gian làm vườn thuê, năm 2005, anh Hoan tích góp được hơn 10 triệu đồng rồi thuê đất, mua giống, vật tư để trồng hoa. Nhận thấy anh Hoan tu chí làm ăn, có triển vọng phát triển, Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ xã hội tỉnh nhiều lần tạo điều kiện cho anh vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Thêm một tình yêu và nỗ lực nhân đôi từ người vợ chịu thương chịu khó - chị Phạm Thị Tư, hiện nay, gia đình anh Hoan là chủ vườn hoa, rau có diện tích gần 7.000m2 tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thắng Nhất, với doanh thu trên 600 triệu đồng/năm.

Những mảnh ghép không hoàn hảo vẫn có thể tạo nên chuyện cổ tích đẹp giữa đời thường. Anh Đoàn Ngọc Bảo (sinh năm 1993) và chị Nguyễn Thị Lệ Thu (sinh năm 1994) đều khá nổi tiếng trên cộng động mạng, hiện họ đang sống tại Hà Nội, là cặp đôi khuyết tật vận động gặp nhiều khó khăn khi đến với nhau bởi những ý kiến trái chiều từ gia đình, bạn bè. Bằng tình yêu, sự quyết tâm, họ đã đến được với nhau, vun đắp nên gia đình hạnh phúc. Anh Bảo từng là vận động viên trượt tuyết đại diện Việt Nam, tham dự Thế vận hội mùa đông tại Hàn Quốc năm 2015. Chị Thu từng có mặt trong Top 10 cuộc thi "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết", năm 2019.

Đó là câu chuyện của vợ chồng anh Trần Đình Hải (sinh năm 1975) và chị Đặng Thị Phi (sinh năm 1981) ở Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Hiện anh Hải là Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Đà Nẵng. 15 năm qua, anh Hải đạt gần 40 huy chương các loại bộ môn: ném lao, ném đĩa, đẩy tạ tại các giải thể thao Người khuyết tật. Anh chị thành lập Công ty và phối hợp với Hội người khuyết tật sản xuất, kinh doanh các loại nước uống, tạo việc làm cho những người khuyết tật khác...

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài tặng hoa cho các đại biểu dự chương trình
BTC cung cấp

Không ai muốn mình sinh ra hay lớn lên đã là người khuyết tật nhưng mỗi người đều có một ước muốn, được yêu thương, được trân trọng. Việc được quan tâm đến đời sống tinh thần, tình cảm, sẽ biến những mặc cảm, tự tin, khó khăn thành sức mạnh, nguồn lực, điểm tựa để giúp người khuyết tật phát huy nội lực, khẳng định giá trị bản thân, đóng góp cho gia đình, xã hội. 35 cặp vợ chồng là 35 câu chuyện tình yêu, hôn nhân với nhiều cung bậc cảm xúc, thăng trầm, giông bão, vượt qua khó khăn trở ngại để đến được với nhau, cùng chia sẻ ngọt bùi cay đắng. Thông điệp chương trình hướng tới, đó chính là khát khao một mái ấm gia đình, một hạnh phúc lứa đôi của những người khuyết tật và ước mơ được giải phóng khỏi những rào cản, định kiến của người khuyết tật trong tình yêu, hôn nhân./.

Phúc Hằng

Xem thêm