Khoa học

Giới thiệu giao thức Wifi mới có khả năng kết nối xa hơn 10 lần chuẩn thông thường

Tại Hội thảo, các chuyên gia từ Công ty công nghệ Morse Micro (Australia) đã giới thiệu những ưu điểm của Wifi Halow, các ứng dụng tiêu biểu của Wifi Halow hiện nay.

Các chuyên gia công nghệ trao đổi, thảo luận về Wifi Halow. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Chiều 26/10, tại Công viên Phần mềm Quang Trung, Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh (DXCenter) và Tập đoàn công nghệ TMA tổ chức Hội thảo “Ứng dụng Wifi Halow trong IoT”. Đây là một giao thức Wifi mới mang lại khả năng kết nối xa hơn 10 lần so với chuẩn Wifi thông thường.

Tại Hội thảo, các chuyên gia từ Công ty công nghệ Morse Micro (Australia) đã giới thiệu những ưu điểm của Wifi Halow, các ứng dụng tiêu biểu của Wifi Halow hiện nay. Đây là công ty hàng đầu thiết kế vi mạch cho Wifi Halow chips theo chuẩn IEEE 802.11ah cho các thiết bị IoT (internet vạn vật) thế hệ mới.

ông Michael De Nil, Giám đốc điều hành Công ty công nghệ Morse Micro phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Theo ông Michael De Nil, Giám đốc điều hành Công ty công nghệ Morse Micro, Wifi Halow là một chuẩn truyền thông vô tuyến mới được thiết kế đặc biệt để giải quyết các vấn đề về phạm vi phát sóng và tiêu thụ năng lượng của IoT. Phạm vi phát sóng của Wifi Halow xa hơn nhiều so với công nghệ Wifi truyền thống và cung cấp kết nối mạnh mẽ hơn trong những môi trường đầy thách thức với khả năng xuyên qua tường hoặc các vật cản…

Nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ Wifi Halow được trình diễn tại Hội thảo như: Giải pháp camera video không dây bên ngoài các tòa nhà; giải pháp truyền video có hỗ trợ bởi AI (trí tuệ nhân tạo) trong môi trường bị che chắn đáng kể; giải pháp Wifi khoảng cách xa với mô hình EasyMesh...

Tiến sĩ Đỗ Duy Tân, chuyên gia công nghệ của Tập đoàn TMA cho biết, các giải pháp này chứng minh sản phẩm IoT sử dụng Wifi Halow có thể kết nối trực tiếp với internet ở khoảng cách xa hơn 1 km từ điểm truy cập. Điều này phù hợp với rất nhiều ứng dụng IoT như tòa nhà thông minh, máy móc sản xuất, hệ thống giám sát, bán lẻ, xe hơi thông minh, cảm biến chống trộm, cảm biến thời tiết, dụng cụ y tế, đồng hồ thông minh, thiết bị đeo tay theo dõi sức khỏe…

Với thế mạnh về viễn thông, thời gian qua, Tập đoàn công nghệ TMA đã đầu tư về các công nghệ kết nối như 4G, 5G, LoRaWAN, NB-IoT, Wifi-6, Halow để phục vụ các giải pháp kết nối đa dạng, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và hiện đại hóa của các ngành, các lĩnh vực khác nhau.

Ông Trần Phúc Hồng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ TMA mong muốn, Thành phố Hồ Chí Minh có cơ chế để thử nghiệm và triển khai các công nghệ viễn thông mới này vì kết nối chính là nền tảng để xây dựng các giải pháp thành phố thông minh, nhà máy và khu công nghiệp thông minh, giao thông thông minh, nông nghiệp công nghệ cao... góp phần xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh./.

Tiến Lực

Tin liên quan

Xem thêm