Cuốn sách là nguồn tư liệu quý, giúp bạn đọc hiểu hơn cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt – một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sáng 17/11, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ) phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ giới thiệu sách “Dấu ấn Võ Văn Kiệt thời kỳ đổi mới” và tiếp nhận tài liệu, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922-23/11/2022).
Đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 11/6/2008), tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, là một người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long. Đồng chí là một tấm gương mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng, có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước ta.
Với tầm tư duy chiến lược, sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo, với quyết tâm đổi mới, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tác phong sâu sát, gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn tìm tòi, trăn trở, bám sát thực tiễn cách mạng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đóng góp xứng đáng vào quá trình hoạch định và tổ chức đường lối đổi mới.
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III Trần Việt Hoa cho biết, có rất nhiều tài liệu lưu trữ được Văn phòng Chính phủ gửi vào cơ quan lưu trữ quốc gia, trong đó có nhiều tài liệu quý hiếm về Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đó là các tài liệu thể hiện dấu ấn của một nhà lãnh đạo kiệt xuất, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới.
Để ghi lại những dấu ấn nổi bật và những đóng góp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã tiến hành trao đổi ý tưởng và dày công lựa chọn, biên soạn cuốn sách “Dấu ấn Võ Văn Kiệt thời kỳ đổi mới”. Sau một năm chuẩn bị, cuốn sách đã được xuất bản đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Cảm ơn các cơ quan, tổ chức đã ủng hộ, giúp đỡ, chỉ đạo Trung tâm trong công tác bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia, bà Trần Việt Hoa cũng cảm ơn gia đình của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đặc biệt là bà Võ Hiếu Dân – con gái Thủ tướng đã ủng hộ việc xuất bản và đóng góp ý kiến vào bản thảo cuốn sách.
Sau khi xuất bản, cuốn sách "Dấu ấn Võ Văn Kiệt thời kỳ đổi mới” đã được gửi tới gia đình Thủ tướng Võ Văn Kiệt và hiện đang được trưng bày tại không gian triển lãm Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt “Vườn ông Sáu Dân” tại Vĩnh Long - quê hương của ông.
Ôn lại những dấu ấn, đóng góp cơ bản của Thủ tướng với quá trình phát triển đất nước, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Thị Thinh cũng chia sẻ một số thông tin về quá trình biên soạn cuốn sách. Theo bà, nếu xuất bản toàn bộ các tài liệu sưu tầm được, cuốn sách phải dày tới 2.000 trang. Vì thế, trong khuôn khổ của cuốn sách này, chỉ tuyển chọn những sự kiện tiêu biểu nhất.
Cuốn sách dày hơn 800 trang, gồm 3 phần: “Dấu ấn Võ Văn Kiệt trong lĩnh vực kinh tế”, “Dấu ấn Võ Văn Kiệt trong lĩnh vực văn hóa – xã hội”, “Dấu ấn Võ Văn Kiệt trong hoạt động ngoại giao”, được sắp xếp theo trình tự thời gian, phản ánh những dấu mốc quan trọng từ thực tiễn chỉ đạo về con đường xây dựng và phát triển đất nước, những thay đổi có tính bước ngoặt, đột phá, đem lại những thắng lợi lớn đối với cách mạng Việt Nam.
Trong lời giới thiệu về cuốn sách, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư viết “Xuất bản cuốn sách Dấu ấn Võ Văn Kiệt thời kỳ đổi mới vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022) là một việc làm rất có ý nghĩa, góp phần tri ân công lao của đồng chí Võ Văn Kiệt với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta…
Cuốn sách là nguồn tư liệu quý, giúp cho bạn đọc, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ hôm nay thấu hiểu hơn cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt – một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Cuốn sách là sự tri ân của các thế hệ hiện nay đối với công lao, đóng góp của đồng chí Võ Văn Kiệt trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tư duy đổi mới, sáng tạo của thế hệ trẻ trọng việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay; giúp các nhà lãnh đạo, quản lý đúc rút kinh nghiệm, vận dụng vào quá trình lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, góp công sức của mình cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, dân chủ, công bằng, văn minh.
Có 9 năm tham gia tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt, phóng viên TTXVN, nhiếp ảnh gia Ngô Minh Đạo cũng chia sẻ nhiều kỷ niệm xúc động, ấn tượng sâu sắc trong thời kỳ xây dựng đường dây 500KV và câu chuyện về một ngày Chủ Nhật, Thủ tướng đóng giả “Việt kiều” đeo râu, đội mũ, cầm gậy ba toong ra đê Yên Phụ để tiếp xúc với bà con, nghe bày tỏ tâm tư về việc giải phóng mặt bằng – điều mà khó có trong báo cáo ở cấp dưới gửi cho Chính phủ.
Nhân dịp này, nhiếp ảnh gia Ngô Minh Đạo đã gửi tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III những tư liệu quý về Thủ tướng Võ Văn Kiệt, gồm 800 file ảnh gốc ông ghi lại những hoạt động của Thủ tướng vào những năm đầu đổi mới đất nước và cuốn sách về Thủ tướng. Nhiếp ảnh gia Ngô Minh Đạo chia sẻ, “những tư liệu ấy là tinh hoa của mình trong cả cuộc đời cầm máy tích tụ vào”, ông rất xúc động khi thấy các tư liệu ấy được lưu giữ cho các thế hệ mai sau.
Tiến sỹ Lê Đình Ân, nguyên thư ký Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ năm 1982 - 1989 cũng chia sẻ về những tình cảm của mình dành cho “anh Sáu Dân”, một vị lãnh đạo có nhiều dấu ấn đặc biệt với đất nước trong quá trình đổi mới, những kỷ niệm “không bao giờ phai” và cuộc hẹn còn dang dở “gặp mặt sau khi đi nghiên cứu về chống ngập ở đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh”, nhưng “đó là cuộc lỡ hẹn mãi mãi, chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại”.
“Đặc biệt là hôm nay được mời đến, đọc những trang sách tôi lại càng xúc động, càng biết ơn một người thầy, một người anh, bằng cả cuộc đời cống hiến của mình đã đưa lại cho nhân dân, cho đất nước những thành tựu rất to lớn. Và đối với chúng tôi, cá nhân tôi, đời đời biết ơn những công lao đó, những dấu ấn đó của Thủ tướng Võ Văn Kiệt”, ông Lê Đình Ân bày tỏ./.