Văn hóa

Người cao tuổi là thị trường ngách quan trọng của du lịch nội địa Việt Nam

Người cao tuổi là khách hàng tiềm năng của nhiều loại hình dịch vụ du lịch. Hiện nay cũng xuất hiện thêm nhiều loại hình mới để phục vụ du khách cao tuổi như chăm sóc sức khỏe, du lịch “chậm” với nhiều liệu trình chăm sóc riêng biệt như thiền, yoga...

Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày tại hội thảo
Ảnh: Thanh Giang

“Xu hướng tiêu dùng du lịch của người cao tuổi tại Việt Nam” là chủ đề hội thảo do Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) thực hiện ngày 15/11 tại Hà Nội. Sự kiện có sự tham gia, đóng góp ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp về kết quả nghiên cứu ban đầu, vấn đề có liên quan.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sỹ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho biết: Lâu nay, xã hội thường quan tâm đến xu hướng du lịch của giới trẻ hay tầng lớp trung niên còn nhu cầu đi du lịch của người cao tuổi thường ít được nghiên cứu. Các doanh nghiệp du lịch cũng ít quan tâm đến đối tượng này, nên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao nhiệm vụ cho Viện thực hiện nghiên cứu về “Xu hướng tiêu dùng du lịch của người cao tuổi tại Việt Nam” để thu được nhiều thông tin về phân khúc thị trường khách du lịch cao tuổi.

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: Người cao tuổi ở Việt Nam hiện đang là một trong những nhóm đối tượng cần được quan tâm, chăm sóc và đáp ứng nhiều nhu cầu, trong đó có nhu cầu không thể thiếu là đi du lịch. Trong những năm qua, số lượng khách đi du lịch ngày càng tăng nhanh, là một trong những thị trường ngách quan trọng của thị trường khách du lịch nội địa với nhu cầu rất đa dạng. Họ được gọi là “thế hệ du lịch bạc”.

Người cao tuổi là khách hàng tiềm năng của nhiều loại hình dịch vụ du lịch. Họ thường chọn một số loại hình du lịch như nghỉ dưỡng, tâm linh, chữa bệnh, văn hóa, lịch sử... Hiện nay cũng xuất hiện thêm nhiều loại hình mới để phục vụ du khách cao tuổi như chăm sóc sức khỏe, du lịch “chậm” với nhiều liệu trình chăm sóc riêng biệt như thiền, yoga, massage hàng ngày với sự theo dõi của chuyên gia. Một số nơi còn kết hợp chăm sóc, trị liệu bằng y học cổ truyền như châm cứu, bấm huyệt...

Phú Quốc là một điểm đến được du khách cao tuổi lựa chọn
Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Khảo sát của nhóm nghiên cứu với 302 khách du lịch cao tuổi cho thấy, đa phần họ đi du lịch theo hình thức tự sắp xếp, gia đình (chiếm 79,14%); đi theo hội người cao tuổi (44,37%); mua tour tại công ty lữ hành (13,25%); một số ít tự đi một mình, cùng đồng nghiệp…

Người cao tuổi tại Việt Nam hiện thường chọn lịch trình du lịch hợp lý, ngắn, thời gian đi lại ít, chủ yếu tận dụng thời gian để nghỉ ngơi. Các điểm đến du lịch Việt Nam hiện nay hấp dẫn người cao tuổi nhất thường tập trung ở các resort ở các vùng nghỉ dưỡng biển như Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo, Vũng Tàu, Mũi Né, Quy Nhơn, Đà Nẵng... hay những nơi có khí hậu ôn hòa, mát mẻ như Đà Lạt, Sa Pa... Du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe ở những nơi có suối nước khoáng nóng, tắm bùn, vật lý trị liệu, tập dưỡng sinh... cũng khá hấp dẫn khách du lịch người cao tuổi.

Cũng theo nghiên cứu: Do đặc thù về sức khỏe, tâm lý, sở thích... nên đặc điểm tiêu dùng của du khách cao tuổi cũng khác biệt. Họ thường thận trọng khi quyết định mua sắm và trung thành với các nhãn hiệu.

Sức khỏe và bệnh tật là 2 yếu tố chính quyết định hành vi du lịch của người cao tuổi tại Việt Nam. Điều kiện sức khỏe của người cao tuổi có xu hướng giảm theo mức độ tăng của nhóm người. Người càng cao tuổi thì khả năng đi du lịch càng khó khăn. Nên họ luôn đánh giá, lựa chọn lịch trình đảm bảo phù hợp với sức khỏe.

Do đó, việc thiết kế các các sản phẩm du lịch dành cho người cao tuổi cũng đòi hỏi các công ty lữ hành, du lịch phải rất kỹ lưỡng trong khâu nghiên cứu, tổ chức từ chuyến bay, điểm tham quan, bố trí bữa ăn, nơi nghỉ đều phải tỉ mỉ, tạo sự thoải mái, an toàn cần được đặt lên hàng đầu…/.

Thanh Giang

Xem thêm