Giữ vững vị thế cơ quan Thông tấn quốc gia: * Bài 1: Củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước
Giải thưởng Báo chí TTXVN là dịp để các phóng viên, biên tập viên nêu cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện nghiệp vụ, đa năng trong tác nghiệp, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của xã hội.
TTXVN - Giải thưởng Báo chí TTXVN diễn ra hàng năm là dịp vinh danh các tác giả, tác phẩm tiêu biểu của đội ngũ khoảng 1200 phóng viên, biên tập viên thông tấn. Giải thưởng Báo chí TTXVN 2022 đã thu hút hơn 300 tác phẩm dự thi, trong đó 112 tác phẩm được lựa chọn vào chung khảo ở các loại hình: Báo in, báo điện tử, ảnh, truyền hình, đồ họa... Các tác phẩm đều thể hiện sự dấn thân, vượt khó, đi đến cùng sự thật của đội ngũ phóng viên, biên tập viên TTXVN, thể hiện vị thế đi đầu của cơ quan thông tấn quốc gia trong việc thông tin những vấn đề lớn của đất nước; là vũ khí tư tưởng sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; khơi dậy khát vọng phát triển, những giá trị cốt lõi của đất nước, dân tộc; cổ vũ mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Bài 1: Củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước
Bằng những sản phẩm thông tin, TTXVN đã, đang tiếp tục đóng góp hiệu quả vào việc hướng dẫn dư luận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị - xã hội cho đất nước.
* Phản bác các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch
Tôn trọng và bảo vệ quyền con người là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, thể hiện rõ trong bản Tuyên ngôn Độc lập và trong Hiến pháp. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Việt Nam luôn nỗ lực phấn đấu và đã đạt nhiều thành tựu trong bảo đảm thực thi quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Vậy mà lâu nay, các thế lực thù địch, phản động vẫn sử dụng vấn đề nhân quyền như một thứ vũ khí, một vỏ bọc cho các hoạt động chống phá, chuyển hóa Việt Nam theo phương thức "diễn biến hòa bình", với tính chất ngày càng gay gắt, quyết liệt và nguy hiểm. Các thế lực cực đoan, tổ chức phản động... thường xuyên đưa ra đánh giá thiếu khách quan với những thông tin sai lệch, phiến diện, thậm chí cố tình xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận của Việt Nam.
Xuất phát từ thực tế này, chùm 3 bài "Sự thật khách quan là câu trả lời đanh thép" của nhóm tác giả: Đặng Hồ Phương, Hà Thị Phương Oanh, Trần Thanh Bình, Trần Phương Hà (Ban biên tập tin Thế giới - TTXVN) đã phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch về vấn đề bảo đảm quyền con người của Việt Nam; qua đó khẳng định Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền con người một cách toàn diện, nhất quán.
Các bài viết "Sự ngụy tạo không thể phá hoại bức tranh toàn cảnh", "Cần chấm dứt những luận điệu 'đổi trắng thay đen'", "Minh bạch thông tin là nền tảng tạo dựng niềm tin" nêu bật tính đúng đắn trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong việc đảm bảo quyền con người; khẳng định những thành tựu bảo đảm các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng… của Việt Nam, là thực tế không thể phủ nhận. Việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 là sự công nhận của quốc tế đối với những nỗ lực, đóng góp của Việt Nam trong bảo đảm các quyền cơ bản của con người, cả ở trong nước và trên thế giới.
Chùm bài với những lập luận sắc bén cùng ý kiến đánh giá của nhiều chuyên gia, học giả, bạn bè quốc tế có cách nhìn nhận khách quan, đúng đắn về vấn đề thúc đẩy quyền con người của Việt Nam, qua đó góp thêm tiếng nói đanh thép phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
2022 cũng là năm hoạt động ngoại giao của Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đồng hành cùng các hoạt động ngoại giao trong năm, phóng viên TTXVN bám sát các sự kiện, xây dựng các chuyên đề thông tin về các sự kiện ngoại giao quan trọng, nổi bật. Trong đó có thể kể đến chùm 5 bài: "Nghĩa tình kết nối hai bờ biên giới" nhân kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào của nhóm tác giả Nguyễn Thu Phương, Dương Anh Tùng (Ban biên tập tin Trong nước - TTXVN).
Đại diện nhóm tác giả, phóng viên Dương Anh Tùng chia sẻ: "Hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" - những người dân Việt Nam - Lào gọi nhau là anh em một nhà, thân như ruột thịt. Tình đoàn kết đặc biệt đó gắn bó hai Đảng, hai Nhà nước, hai quốc gia, hai dân tộc vững bền qua thời gian và không ngừng phát triển. Ở đôi bờ biên giới, người dân hai nước thật tự nhiên, lại càng thủy chung, "tối lửa, tắt đèn có nhau", trở thành "nhịp cầu" gìn giữ, gắn kết, vun đắp mối quan hệ vĩ đại giữa hai quốc gia, hai dân tộc, để cùng nhau kề vai sát cánh trên chặng đường mới.
Để thực hiện chùm tác phẩm, phóng viên đã thực hiện chuyến công tác đến các địa phương vùng biên giữa Việt Nam và Lào, như: Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Sơn La (Việt Nam), Savanakhet, Louangphabang, Houaphanh (Lào), tìm hiểu câu chuyện về mối lương duyên của những đôi vợ chồng Việt - Lào, những câu chuyện về nghĩa tình giúp đỡ nhau thông qua "đối ngoại nhân dân", "đối ngoại biên phòng", bằng mô hình kết nghĩa "bản - bản"… giúp nhân dân nước bạn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo hiệu quả; giúp học sinh Lào có hoàn cảnh khó khăn được đến trường…
Những chuyến thực tế ở vùng biên giới hai quốc gia, cũng như qua trò chuyện, phỏng vấn, trao đổi với người dân, lãnh đạo tại các tỉnh, địa phương của Lào, đã cho thấy câu chuyện sinh động về "ngoại giao kinh tế" thúc đẩy kinh tế Lào phát triển bằng sự chí tình, mối quan hệ vô tư, trong sáng của Việt Nam..., phóng viên Dương Anh Tùng cho biết.
* Kiên quyết loại bỏ tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Không chỉ đấu tranh với các thế lực thù địch, công cuộc chống giặc "nội xâm" của nước ta cũng được phóng viên TTXVN phản ánh rõ nét. Theo phóng viên Vũ Thị Quỳnh Hoa (Ban biên tập tin Trong nước), từ khi thành lập và trong suốt quá trình hoạt động, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Trung ương 4 (khóa XII), công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt. Thực tiễn chỉ ra, tham nhũng, tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ, nên công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn bó chặt chẽ với công tác phòng, chống tiêu cực, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Chùm ba bài "Chống tiêu cực, chặn mầm tham nhũng" của tác giả Vũ Thị Quỳnh Hoa nêu lên những dẫn chứng thời gian gần đây, đặc biệt là sau Đại hội XIII của Đảng và sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được bổ sung thêm chức năng phòng, chống tiêu cực; liên tục các vụ việc tiêu cực được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra trong các kỳ họp. Thông qua bài viết, các hành vi tiêu cực được nhận diện, là cơ sở để làm sáng tỏ hơn việc thực hiện phòng và chống tiêu cực.
Tác giả đã đi sâu phân tích nguyên nhân làm suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên, bắt nguồn từ "căn bệnh cá nhân chủ nghĩa". Chủ nghĩa cá nhân là “kẻ địch ở trong lòng” nên muốn “chống” phải bắt đầu từ “xây”, trong đó vai trò quyết định là tu dưỡng, rèn luyện, kiểm soát ham muốn, nâng cao năng lực đề kháng trước cám dỗ. Muốn quét sạch chủ nghĩa cá nhân phải nâng cao đạo đức cách mạng và có đạo đức cách mạng sẽ loại bỏ được chủ nghĩa cá nhân - đây là mối quan hệ biện chứng, gắn bó lẫn nhau.
Cũng thông qua bài viết, tác giả đã nêu lên quyết tâm loại bỏ tiêu cực - trở lực của sự phát triển của đất nước. Với sự thống nhất, đồng bộ từ Trung ương tới các địa phương, việc xác định rõ và kiên quyết loại bỏ từ gốc những biểu hiện, hành vi tiêu cực, sẽ ngăn chặn được mầm mống của tham nhũng, qua đó góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh những tuyến tin, bài thời sự, phóng viên TTXVN đi sâu vào thực tế đời sống xã hội, phản ánh những vấn đề còn vướng mắc, bất cập. Chùm 3 bài "Hơn 10.000 sổ đỏ tại Sóc Sơn bị cấp sai hạn mức" của nhóm tác giả Nguyễn Mạnh Khánh, Nguyễn Văn Cảnh (Cơ quan thường trú TTXVN tại Hà Nội) đã cho thấy hiệu ứng tác động xã hội tốt, được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, dư luận xã hội đánh giá cao về vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh, phê phán, cũng như biểu dương, xây dựng của báo chí.
Phóng viên Nguyễn Mạnh Khánh cho biết: Đất đai vốn là vấn đề phức tạp nhạy cảm. Thống kê tại Hà Nội cho thấy có tới 80% số đơn kiện, khiếu nại, phản ánh tới cơ quan chức năng đều bắt nguồn từ đất đai. Có những nguyên nhân xuất phát từ người dân nhưng trong câu chuyện ở Sóc Sơn, lỗi sai lại thuộc về cơ quan Nhà nước. Theo đó, từ năm 2005-2012, huyện Sóc Sơn có 10.400 sổ đỏ bị cấp sai hạn mức, diện tích ghi dao động từ trên 400 m2 lên tới hơn 2.000 m2 đất ở, dẫn đến người dân bức xúc do không thể thực hiện được giao dịch đất đai; chính quyền huyện và thành phố chậm vào cuộc sửa sai, tháo gỡ.
Nhóm tác giả đã phản ánh những tâm tư, trăn trở của một số người dân huyện Sóc Sơn đang làm đơn xin "hạ" hạn mức trong sổ đỏ. Các nhân vật trong bài là đại diện cho hàng nghìn hộ dân ở huyện Sóc Sơn đang ở cảnh "khóc dở, mếu dở" do sổ đỏ sai hạn mức. Theo quy định hiện hành, đối với hộ dân thuộc vùng trung du, miền núi, hạn mức đất ở không được quá 400 m2; hộ ở đồng bằng không được quá 200m2. Người dân lại cho rằng việc hạ hạn mức sổ đỏ đồng nghĩa với việc họ bị mất đi diện tích đất thổ cư, giảm giá trị tài chính khi đền bù giải phóng mặt bằng, nên nhiều hộ dùng dằng không muốn hạ hạn mức sổ đỏ. Hệ lụy là huyện Sóc Sơn chậm di dời giải phóng mặt bằng mở rộng bãi rác Nam Sơn.
Qua điều tra sâu, nhóm phóng viên còn nhận thấy tại Sóc Sơn sai phạm chồng lên sai phạm. Nhiều xã không còn lưu giữ được hồ sơ liên quan cấp sổ đỏ vượt hạn mức. Tình trạng cấp sổ đỏ sai hạn mức có ở hầu hết các xã của huyện Sóc Sơn. Thành phố đã có chỉ đạo việc tháo gỡ điều chỉnh hạn mức cho người dân, tuy nhiên số người được điều chỉnh sổ đỏ lại rất ít. Việc điều chỉnh sổ đỏ lại do các công ty môi giới bất động sản trên địa bàn huyện thực hiện, đã xuất hiện nhiều "cò" lo việc "hạ" hạn mức sổ đỏ cho những trường hợp đã từng mua đi bán lại từ những thửa đất lớn, có sổ đỏ "gốc" vượt hạn mức. Mỗi lần qua "cò" để hạ sổ, người dân phải "bôi trơn" khoảng 100 triệu đồng/sổ.
Sau khi loạt bài được đăng tải, ngày 1/3/2022, UBND thành phố Hà Nội có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông yêu cầu Thanh tra thành phố chủ trì vào cuộc làm rõ thông tin TTXVN nêu, trả lời dư luận theo quy định. Đến hết tháng 12/2022, toàn huyện Sóc Sơn ghi nhận khoảng 200 hộ dân được điều chỉnh hạn mức sổ đỏ về đúng quy định.
Để tiếp tục tháo gỡ những tồn tại, huyện Sóc Sơn đã xây dựng quy trình nội bộ giải quyết thủ tục điều chỉnh mục đích sử dụng đất (điều chỉnh hạn mức đất ở). Quy trình được niêm yết công khai, thông tin thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh của các xã để người dân nắm, thực hiện.
Tham gia giải thưởng thường niên và uy tín của TTXVN, là cơ hội để đội ngũ phóng viên, biên tập viên được rèn luyện, thử thách về tay bút, tay máy trên mọi lĩnh vực. Qua đó, các phóng viên, biên tập viên nêu cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện nghiệp vụ, đa năng trong tác nghiệp, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của xã hội; góp phần để TTXVN hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thông tấn đa phương tiện chủ lực quốc gia, giữ vững vai trò cơ quan thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng, Nhà nước.
Bài 2: Khơi nguồn cảm hứng cho sự nghiệp đổi mới