Văn hóa

Về với Cát Tiên

Cát Tiên khi trời về chiều, ánh tà dương dần buông phủ trên "Bàu Sấu", vẽ lên một bức tranh kỳ ảo với màu đỏ của hoàng hôn, màu vàng của thảm thực vật đa dạng và màu xanh của rừng già.

Vườn Quốc gia Cát Tiên nhìn từ trên cao. (Ảnh: Hoa Anh).

TTXVN - Vườn Quốc gia Cát Tiên, nơi được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới, là một kiệt tác của thiên nhiên. Vườn trải dài trên 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước với hơn 71.000 ha được bao quanh bởi 90 km sông Đồng Nai.

Theo truyền thuyết của người Mạ, tên gọi Cát Tiên bắt nguồn từ sự hiện diện của những nàng tiên trên bãi cát vàng tại Thác Trời (cách trụ sở vườn 1km theo đường chim bay). Cát Tiên không chỉ đẹp trong truyền thuyết, nơi đây đúng là một kiệt tác hiện hữu mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước ta.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp Rừng Quốc gia Cát Tiên từ trên cao. (Ảnh: Hoa Anh).

Vượt 10km đường rừng, du khách sẽ không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên khi tận mắt chiêm ngưỡng nhiều cây đại thụ cao to quý hiếm, hình dáng đồ sộ, vững chãi và có những đường nét khiến người ta liên tưởng tới lối kiến trúc vừa hiện đại vừa cổ điển.

Đó là “tòa tháp cổ” cây tung hơn 400 năm tuổi, có tên khoa học Tetrameles nudiflora, gốc to hàng chục người ôm; cây căm xe 300 năm tuổi, cây bằng lăng có đến 5 ngọn. Đặc biệt, cây gõ đỏ (loài quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam) có đường kính hơn 2m, cao khoảng 40m, ước tính trên 700 năm tuổi. Càng tiến sâu vào rừng, du khách sẽ càng được thu vào tầm mắt hình ảnh của đại ngàn hoang sơ. Dệt thêm cho bức tranh rừng là vũ điệu của ngàn vạn dây leo vươn tròn như cầu vồng, khi buông thõng như những chiếc xích đu và có khi quấn quít bên nhau không rời.

Du khách chụp ảnh lưu niệm với các cây cổ thụ trong Vườn Quốc gia Cát Tiên. (Ảnh: Hoa Anh).

Cát Tiên khi trời về chiều, ánh tà dương dần buông phủ trên "Bàu Sấu", vẽ lên một bức tranh kỳ ảo với màu đỏ của hoàng hôn, màu vàng của thảm thực vật đa dạng và màu xanh của rừng già.

Khung cảnh Cát Tiên khi hoàng hôn buông xuống. (Ảnh: Hoa Anh).

Không chỉ là thắng cảnh đẹp, Bàu Sấu còn tập trung nhiều loài chim nước đặc hữu, là “mái nhà” của nhiều loài cá nước ngọt có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới như cá lóc bông, các loài cá lăng (lăng bì, lăng nha, lăng nhám, lăng chì...). Đây cũng là nơi sinh sống của cá sấu xiêm quý hiếm.

Du khách đạp xe du ngoạn trong Rừng Quốc gia Cát Tiên. (Ảnh: Hoa Anh).

Ban thư ký Công ước RAMSAR đã công nhận Bầu Sấu là vùng đất ngập nước quan trọng của thế giới, là trung tâm nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc tế, mệnh danh là “Hồ Sách đỏ”. Chèo xuồng chầm chậm trên mặt hồ, du khách có thể bắt gặp từng đàn cò chao nghiêng đáp xuống đám cây, soi mình trên mặt nước. Có thể nói, hoàng hôn trên Bầu Sấu là một cảnh thần tiên, vừa bí hiểm vừa mê hoặc...!

Hoa Anh

Tin liên quan

Xem thêm