Xã hội

Góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Hà Nội

Cần thúc đẩy lồng ghép giới trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm thúc đẩy tính nhạy cảm giới của dự thảo luật, giải quyết các vấn đề giới đã nêu

Quang cảnh Hội nghị
Ảnh: TTXVN phát

Sáng 31/5, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức “Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên dưới góc độ giới”.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, trẻ em được Đảng, Nhà nước xác định ưu tiên chăm sóc, giáo dục và bảo vệ đặc biệt, điều này thể hiện trong nhiều nghị quyết, văn kiện quan trọng, đặc biệt, Chỉ thị số 28-CT-TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã đề ra giải pháp “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”.

Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”.

Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên yêu cầu “Các Quốc gia thành viên phải tìm cách thúc đẩy việc thiết lập những đạo luật, thủ tục, các cơ quan và thể chế áp dụng riêng cho những trẻ em bị tình nghi, bị cáo buộc hay bị xác nhận là đã vi phạm luật hình sự”.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu
Ảnh: TTXVN phát

Người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tình cảm, nhận thức; thiếu kiến thức xã hội, pháp luật; khó kiểm soát cảm xúc; hạn chế trong việc bảo vệ bản thân, phòng, tránh rủi ro và các hành vi nguy hiểm. Đây là nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội nên cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhất là trong hoạt động tư pháp hình sự. Vì vậy, chính sách về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên cần có tiếp cận chuyên biệt, toàn diện, phù hợp với lứa tuổi, khả năng nhận thức của các em và hướng tới mục đích chính là giáo dục, cải tạo, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện nhận thức và hành vi, trở thành công dân tốt cho xã hội.

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo đã cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, Nhà nước nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; bảo đảm việc xử lý người chưa thành niên phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Trong quá trình xây dựng, cơ quan chủ trì đã quan tâm xem xét đến việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong nội dung của dự thảo Luật, cụ thể như: quy định tại Điều 7 về bảo đảm công bằng, không kỳ thị, không phân biệt đối xử đối với người chưa thành niên; quan tâm đến các nhu cầu chính đáng của người chưa thành niên do giới tính, thuộc đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số.

Trong thời gian qua, thực hiện chức năng đại diện, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tích cực tham gia vào hoạt động góp ý đối với dự thảo Luật, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có nhiều hoạt động lấy ý kiến vào dự thảo Luật, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã gửi công văn góp ý đến cơ quan chủ trì soạn thảo, tham gia ý kiến tại nhiều hội thảo, hội nghị góp ý dự thảo Luật.

Hội nghị được tổ chức nhằm tạo diễn đàn thảo luận các quan điểm và đóng góp ý kiến chuyên môn có giá trị nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên cũng như trao đổi chuyên sâu các vấn đề quy định của pháp luật về tư pháp đối với người chưa thành niên, thực tiễn thực hiện tư pháp đối với người chưa thành niên, vướng mắc trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên và hướng hoàn thiện.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, hoạt động tư pháp người chưa thành niên cần có sự tham gia của các nhân sự, các chuyên gia có hiểu biết về tâm lý học, khoa học giáo dục, về xã hội học, đặc biệt là xã hội học giới. Tuy nhiên, nhiều điểm trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên chỉ nhắc tới người có hiểu biết về tâm lý học và khoa học giáo dục.

Bên cạnh đó, việc tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên cần tuân thủ theo các chuẩn mực quốc tế như tôn trọng nhu cầu của người chưa thành niên, hướng tới mục tiêu đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe thể chất, tinh thần, nhân phẩm và đạo đức của người chưa thành niên nhằm chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; vai trò, trách nhiệm và sự hỗ trợ của nhà trường còn mờ nhạt trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Mặc dù người chưa thành niên hầu như đều gắn với nhà trường, do còn đang trong độ tuổi đi học.

Theo Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, cần thúc đẩy lồng ghép giới trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm thúc đẩy tính nhạy cảm giới của dự thảo luật, giải quyết các vấn đề giới đã nêu, thúc đẩy việc đảm bảo quyền, nhân phẩm của người chưa thành niên, thúc đẩy tư pháp người chưa thành niên có nhạy cảm giới.

Tại Hội nghị, các đại biểu đưa ra ý kiến liên quan đến nghiên cứu lồng ghép vấn đề bình đẳng giới về những quy định về quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên, các quy định về biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người chưa thành niên bị buộc tội, quy định về công tác xã hội trong dự thảo Luật, các biện pháp xử lý chuyển hướng áp dụng với người chưa thành niên nhằm bảo vệ và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; đồng thời, hoàn thiện hệ thống hình phạt đối với người chưa thành niên; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên…/.


Đỗ Bình

Xem thêm