Quốc hội với Cử tri

Góp ý các dự án Luật trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV

Long An

Phần lớn các ý kiến đều thống nhất cao với các dự thảo dự án Luật trên và đóng góp thiết thực cho dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội.

Bà Lê Thị Song An, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách đơn vị tỉnh Long An phát biểu tại Hội nghị. 
Ảnh: Thanh Bình - TTXVN

Ngày 24/9, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An tổ chức đóng góp ý kiến đối với Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội.

Phần lớn các ý kiến đều thống nhất cao với các dự thảo dự án Luật trên và đóng góp thiết thực cho dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Cụ thể, về trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (Điều 7), tại khoản 6, khoản 7, để đảm bảo việc khắc phục hậu quả trong trường hợp chủ hộ gia đình, cá nhân cố tình không thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy hoặc cá nhân cố tình phá hoại, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm nội dung: “Chủ hộ gia đình, cá nhân phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả do cháy, tai nạn, sự cố do mình gây ra”.

Thực tế, thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ cháy thương tâm. Nguyên nhân chính do gia đình, cá nhân bất cẩn, không quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy. Việc bổ sung quy định này nhằm nêu cao trách nhiệm của gia đình, cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Đại biểu đơn vị Phòng cháy, chữa cháy thuộc công an tỉnh Long An đóng góp ý kiến về Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. 
Ảnh: Thanh Bình - TTXVN

Về phòng cháy đối với nhà ở (Điều 18), đại biểu đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định: “6. Chính phủ hướng dẫn chi tiết về điều kiện an toàn phòng cháy, các điều kiện về chữa cháy, thoát nạn để thi hành". Về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh (Điều 19), đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định: "3. Chính phủ hướng dẫn chi tiết điều kiện an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ở kết hợp kinh doanh hàng hóa nguy hiểm cháy, nổ để thi hành". Đối với kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy (Điều 57), tại điểm d khoản 1, đại biểu đề nghị điều chỉnh cụm từ “công trình đang thi công xây dựng" thành "công trình thuộc diện thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đang thi công xây dựng"…

Bà Lê Thị Song An, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách đơn vị tỉnh Long An ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, tổng hợp, phân loại ý kiến, chuyển tới cơ quan soạn thảo bổ sung, hoàn thiện trước khi trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV.

Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp 8. Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 9 chương 61 điều (giảm 4 điều do chỉnh lý, ghép các nội dung quy định có tính tương đồng); Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp 8, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 8 chương, 65 điều, giảm 1 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ các điều 45, 56, 58, 59, bổ sung các điều 21, 40 và 64, sửa đổi 63 điều, giữ nguyên 2 điều.

Đại biểu đơn vị Quân sự tỉnh Long An đóng góp ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội. 
Ảnh: Thanh Bình - TTXVN

Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được Quốc hội khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ VI ngày 21/12/1999, có hiệu lực từ ngày 1/4/2000 và sửa đổi, bổ sung vào các năm 2008, 2014. Tuy nhiên, từ khi Luật Sĩ quan năm 1999 có hiệu lực thi hành (ngày 1/4/2000), có nhiều chính sách, pháp luật của Nhà nước được ban hành như: Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Dân quân tự vệ năm 2019, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Khám chữa bệnh năm 2023, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp năm 2024... có quy định liên quan hoặc tác động đến đối tượng là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan để bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và tính chất, nhiệm vụ của Quân đội “là ngành lao động đặc biệt”./.

Trần Thanh Bình

Xem thêm