Quốc hội với Cử tri

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Vĩnh Long

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) có nhiều chính sách mới liên quan đến việc xác định hành vi mua bán người, việc tiếp nhận, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân...

Quang cảnh hội nghị. 
Ảnh: Phạm Minh Tuấn - TTXVN

Chiều 19/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị góp ý kiến vào Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang cho biết, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) có 8 chương, 65 điều. Đây là dự án luật quan trọng, có nhiều chính sách mới liên quan đến việc xác định hành vi mua bán người, việc tiếp nhận, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân... Dự án luật đã nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, thể hiện sự đồng thuận cao về sự cần thiết sửa đổi luật.

Tại hội nghị, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về: Giải thích từ ngữ; các hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc phòng, chống mua bán người; chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân…

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến khá phức tạp, không chỉ ở nước ta mà còn nhiều nước trên thế giới. Mua bán người được Liên hợp quốc xếp hạng là một trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất hiện nay, xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm… Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là rất cần thiết nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống tội phạm này trong tình hình mới.

Góp ý tại Điều 3 về các hành vi bị nghiêm cấm, ông Nguyễn Thanh Phong đề nghị, bổ sung thêm các hành vi như: Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Tại Điều 35, bổ sung đối tượng cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân là đối tượng được bảo vệ.

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long cho rằng, phần lớn nạn nhân mua bán người là phụ nữ và trẻ em gái, đây cũng là đối tượng bị tổn thương nặng nề hơn các đối tượng nam giới do mục đích mua bán người về tình dục. Trong quá trình giải cứu, bảo vệ, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân, phần lớn lực lượng có chức năng giải cứu, điều tra hầu hết là nam giới nên gặp khó khăn, nhạy cảm về giới. Do đó, đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp thân thiện, bố trí cán bộ làm việc phù hợp giới tính của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, từ khâu tiếp nhận, giải cứu đến điều tra, truy tố và xét xử, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

Góp ý tại Điều 27, đại biểu đề nghị thay thời hạn 3 ngày thành 24 giờ sau khi nhận được thông báo để lực lượng chức năng thực hiện tiếp nhận, hỗ trợ, qua đó đảm bảo tính kịp thời. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị, quy định bảo vệ bí mật thông tin về nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, tránh gây tổn thương hoặc gây nguy hiểm cho họ nếu thông tin tiết lộ; thực hiện chính sách ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện thực hiện công tác phòng, chống mua bán người./.

Phạm Minh Tuấn

Tin liên quan

Xem thêm