Thời sự

Góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Tháo gỡ vướng mắc, phát sinh trong thực tiễn

Về cơ bản, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong thực tiễn.

 Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

TTXVN - Nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Chính phủ trong tháng 11/2023, sáng 15/9, tại Quảng Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản với sự tham dự của đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn, Hiệp hội, Hội doanh nghiệp...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, Phó Trưởng ban Ban soạn thảo Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cho rằng, Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược khoáng sản và định hướng phát triển công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã được thể chế hóa trong các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010. Tuy nhiên, nhiều chế định pháp lý của Luật Khoáng sản không còn phù hợp với thực tế; một số quan hệ mới trong hoạt động khoáng sản phát sinh trong thực tiễn cần phải được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Tiếp thu ý kiến góp ý tại các cuộc họp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản và có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Chính phủ để đăng tải lấy ý kiến góp ý; đồng thời gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được xây dựng gồm 132 Điều và được bố cục thành 13 Chương. Về cơ bản, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản tiếp tục duy trì các chính sách đã có trong Luật Khoáng sản năm 2010, cập nhật bổ sung một số chính sách mới; những nội dung đã được áp dụng ổn định, được nâng cấp từ Nghị định lên thành Luật, đặc biệt Luật sẽ giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong thực tiễn.

Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Mai Thế Toản đề xuất các góp ý vào Dự thảo Luật (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Theo Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản, Bộ tài nguyên và Môi trường Mai Thế Toản, điểm mới của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã bổ sung: Quy định đối tượng áp dụng; các thuật ngữ về giải thích từ ngữ; chính sách của nhà nước đối với hoạt động địa chất; nguyên tắc hoạt động địa chất; quyền lợi của địa phương và cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên địa chất; quy định  các tiêu chí xác định khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; các hành vi bị cấm đối với hoạt động địa chất; khai thác cát biển tại vùng bờ cách đường bờ dưới 15 km, có độ sâu trung bình dưới 5 m so với mực nước triều cao trung bình nhiều năm.

Một số vấn đề cần tiếp tục góp ý như: Phân loại khoáng sản và quản lý theo từng nhóm; khai thác vượt công suất, thế chấp giấy phép khai thác khoáng sản, thanh tra, kiểm tra và kiểm soát hoạt động địa chất và khoáng sản; tư vấn giám sát hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; đấu giá quyền khai thác khoáng sản...; vấn đề thăm dò, khai thác và sử dụng cát biển; nghiên cứu đề xuất việc sử dụng cát biển cho san lấp các công trình giao thông quan trọng quốc gia; yêu cầu về giám sát biến động trữ lượng cát.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, ông Ngọc Thái Hoàng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh đề xuất một số giải pháp cấp bách như: cần tiếp tục triển khai nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản; tiến tới chấm dứt việc khai thác cát, sỏi trên toàn bộ các xã đảo, tuyến đảo. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên than trên địa bàn; thẩm định cấp phép giấy phép thăm dò, khai thác, gia hạn giấy phép, đóng cửa mỏ; chủ động thanh, kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khoáng sản...

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung liên quan đến nghĩa vụ tài chính trong hoạt động khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; xã hội hóa công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.. Qua đó, các đại biểu đề xuất với Ban soạn thảo Dự thảo Luật các giải pháp quản lý minh bạch và hiệu quả trong khai thác khoáng sản; chính sách thuế, phí khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ để thu hồi tối đa khoáng sản; thủ tục hành chính trong hoạt động khoáng sản.../.

Diệu Thúy

Tin liên quan

Xem thêm