Xã hội

Hà Nội đẩy mạnh xã hội hóa, thực hiện các mục tiêu về dân số

Hà Nội

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Trung tâm Y tế, Phòng Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép cung cấp dịch vụ về dân số năm 2024 bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Cán bộ dân số quận Hoàn Kiếm tuyên truyền sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh tiểu học trường Trần Quốc Toản.
Ảnh Dương Ngọc/TTXVN

TTXVN - Nhằm thực hiện các mục tiêu ổn định quy mô dân số, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh... năm 2024, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản.

Năm 2024, Hà Nội phấn đấu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 0,15% so với năm trước; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 88%; tỷ lệ sàng lọc trước sinh 4 bệnh phổ biến là 84%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh 5 bệnh phổ biến 89%; tỷ số giới tính khi sinh 111 trẻ trai/100 trẻ gái; tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn là 65%; số người áp dụng biện pháp tránh thai mới là 403.730 người...

Theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Y tế tổ chức hướng dẫn, đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản bảo đảm các chỉ tiêu, nhiệm vụ được UBND thành phố giao. Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình là đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện công tác xã hội hóa phương tiện tránh thai. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Y tế và các cơ quan báo chí truyền thông đăng tải các tin, bài tuyên truyền về chính sách xã hội hóa phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản; thường xuyên phát các thông điệp khuyến cáo về nguy cơ, hậu quả của căn bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung đối với đời sống, sức khỏe của phụ nữ, gia đình và xã hội.

Các sở, ban, ngành và các đoàn thể chính trị - xã hội là thành viên Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển của thành phố phối hợp với Sở Y tế thực hiện các hoạt động dân số; lồng ghép phổ biến tuyên truyền về chủ trương xã hội hóa phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản trong công tác dân số. UBND các quận, huyện, thị xã mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản trên địa bàn bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu được giao năm 2024. Đồng thời, huy động nguồn lực, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện hiệu quả các hoạt động xã hội hóa phương tiện tránh thai với các chương trình y tế, dân số khác có liên quan trên địa bàn bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm; kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện kế hoạch và chế độ báo cáo theo quy định.

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Trung tâm Y tế, Phòng Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép cung cấp dịch vụ về dân số năm 2024 bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Để hoàn thành các mục tiêu năm 2024, Sở Y tế tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về thực hiện công tác dân số của Thủ đô; nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp của các ngành, đoàn thể trong thực hiện công tác dân số, lồng ghép các nội dung truyền thông về dân số phù hợp với đặc thù của từng ban, ngành, đoàn thể góp phần tạo sự đồng thuận trong thực hiện chính sách dân số. Sở tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số, duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số. Sở Y tế kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ dân số các cấp, đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số tại xã, phường, thị trấn và cộng tác viên dân số tại thôn, tổ dân phố...

Sở tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề án, kế hoạch của thành phố như: Đề án mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; Kế hoạch kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025, phát triển thể lực tầm vóc người Hà Nội đến năm 2030; Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản đến năm 2030; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp giai đoạn 2022 - 2030...

Năm 2023, Hà Nội có tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ nam/100 trẻ nữ) là 111,2/100. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tiếp tục giảm nhưng chưa bền vững, đặc biệt tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở một số huyện còn cao. Chất lượng dân số từng bước được nâng cao. Thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ các chương trình, kế hoạch, hoạt động mô hình về nâng cao chất lượng dân số ở 100% quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, mang lại kết quả rõ rệt./.

Tuyết Mai

Xem thêm