Môi trường

Hà Nội: Kiểm tra, xử lý vi phạm bến bãi vật liệu xây dựng

Hà Nội

Thành phố Hà Nội sẽ thành lập Đoàn giám sát về công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống.

Một điểm khai thác cát trên địa bàn Hà Nội.
 Ảnh minh họa: TTXVN

Nhằm tăng cường quản lý, sử dụng đất ven sông làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố theo nhiệm vụ của từng đơn vị.

Theo Văn bản số 2727/UBND-TNMT ký ngày 19/8/2024 của UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động của bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng; rà soát, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đối với các trường hợp đủ điều kiện cho thuê đất hoạt động bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng; cương quyết yêu cầu các cấp chính quyền giải tỏa các bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng tự phát, hoạt động trái phép; tham mưu thành phố ban hành quy định về đấu giá quyền sử dụng đất bãi bồi ven sông để làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Đấu giá tài sản và Luật Đất đai 2024. Thời gian hoàn thành xong trong tháng 10/2024.

Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tăng cường kiểm tra hoạt động bến thủy nội địa của các tổ chức, cá nhân hoạt động bến bãi tập kết cát, sỏi lòng sông và trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông; quản lý các phương tiện đường thủy và phối hợp với Cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm hoạt động bến thủy nội địa trái phép, kịp thời ngăn chặn việc đưa vật liệu xây dựng lên bãi chứa hoạt động trái phép.

Đặc biệt, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phải xử lý tình trạng xe quá tải trọng vận chuyển vật liệu xây dựng tại các địa bàn có nhiều bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ở bãi sông Hồng, sông Đuống đã làm nhiều đoạn mặt đê bị hư hỏng, xuống cấp, làm ảnh hưởng khả năng chống lũ cũng như an toàn của người và phương tiện, gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận các tuyến đê; phối hợp kiểm tra, xử lý các cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy để hạn chế tình trạng tự ý hoán cải, lắp đặt các thiết bị phục vụ cho hoạt động khai thác cát trái phép,…

Cũng theo chỉ đạo của thành phố, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão, các Hạt quản lý đê thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện vi phạm, lập biên bản chuyển cơ quan có thẩm quyền quyết định xử lý. Công an thành phố Hà Nội xử lý vi phạm tại các bến bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông; chủ động phối hợp với Công an các tỉnh giáp ranh nhằm phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về khai thác cát lòng sông trái phép…

Đối với các địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu kiểm tra, rà soát các bến bãi tập kết cát, sỏi lòng sông và trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông chưa bảo đảm điều kiện hoạt động, đồng thời thực hiện ngay kế hoạch cưỡng chế giải tỏa vật liệu xây dựng tại các bãi chứa hoạt động trái phép.

"UBND các xã, phường, thị trấn không để phát sinh hoặc tái vi phạm; phải xem xét xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND cấp xã không tích cực xử lý vi phạm, để xẩy ra tình trạng vi phạm nhiều và vi phạm kéo dài. Lãnh đạo cấp huyện chịu trách nhiệm trước thành phố nếu để xảy ra tình trạng hoạt động bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép mà không được xử lý theo quy định", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh.

UBND các xã, phường, thị trấn phải hủy bỏ các văn bản dưới dạng hợp đồng hay hình thức khác để giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức, cá nhân sử dụng đất bãi ven sông mà trên thực tế đang bị sử dụng đất làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép…

Mới đây, tại cuộc giám sát của HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, tình hình quản lý bến bãi và khai thác khoáng sản ở Hà Nội vẫn không được cải thiện nhiều, khiến cử tri và nhân dân bức xúc. Đặc biệt, việc phối hợp giữa chính quyền địa phương với các lực lượng chức năng từ khi phát hiện vi phạm đến kiểm tra, xử lý còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ. Các sở, ngành và quận, huyện, thị xã chưa vào cuộc quyết liệt và còn có tư tưởng "khoán trắng" nhiệm vụ quản lý cho ngành Công an.

Tính đến tháng 9/2022, Hà Nội có khoảng 201 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng; trong đó, có 77 bãi có thủ tục hoạt động hoặc phù hợp tiêu chí và 124 bãi chưa đủ thủ tục hoạt động hoặc không phù hợp tiêu chí. Như vậy, số lượng các bến bãi chưa đủ thủ tục hoạt động còn rất lớn và ít có cải thiện so với khảo sát năm 2020 (246 bãi chứa, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên các tuyến sông thuộc thành phố, trong đó, 209 bãi đang hoạt động, 37 bãi dừng hoạt động)...

Trước thực trạng trên, HĐND thành phố Hà Nội vừa quyết định thành lập Đoàn giám sát về công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống.

Mục đích của việc giám sát nhằm xem xét, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn Hà Nội; làm rõ những kết quả đạt được, những vướng mắc, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc quản lý, sự tuân thủ các quy định của pháp luật và các chủ trương, chỉ đạo của Thành ủy. Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát đề xuất các kiến nghị, giải pháp tăng cường thực hiện việc quy hoạch và quản lý, đầu tư xây dựng theo quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực thuộc phạm vi giám sát. Thời điểm báo cáo từ ngày 1/1/2021 - 31/6/2024.

HĐND thành phố Hà Nội yêu cầu việc giám sát phải được tiến hành đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các yêu cầu chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, thành phố; đánh giá trung thực, chính xác, đầy đủ, khách quan thực tiễn nội dung giám sát; bảo đảm chất lượng, hiệu quả./.

Linh Khánh

Xem thêm